Cần tìm hiểu thông tin cơ bản, mục đích phát hành, cân đối giữa rủi ro và lãi suất… trước khi xuống tiền mua trái phiếu doanh nghiệp.
Bảy tháng đầu năm nay có gần 1.000 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công với số vốn huy động xấp xỉ 180.000 tỷ đồng. Nguyên nhân kênh huy động này không ngừng tăng trưởng nóng là do sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp cấp thiết.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chạy nước rút trước thời điểm nghị định mới với những ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu có hiệu lực từ 1/9.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty TNHH MTV Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, lượng phát hành trái phiếu trong những tháng cuối năm có thể không tăng đột biến như trước.
Tuy nhiên, giao dịch ở thị trường thứ cấp vẫn sôi động bởi lượng tiền nhàn rỗi sẽ tìm đến kênh đầu tư này ngày càng nhiều vì lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm và khó tăng lại trong ngắn hạn. Ngoài ra, nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng dè dặt khi dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
Ông Minh khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn phát triển hơn nữa và sẽ là kênh đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư cá nhân ngoài vàng, bất động sản, cổ phiếu hay tiết kiệm. Tuy nhiên, đầu tư luôn kèm rủi ro nên người tham gia cần xem xét 5 yếu tố quan trọng trước khi ra quyết định nắm giữ.
Trước hết, nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không chỉ quan tâm tới lãi suất. Bởi điều này phát sinh rủi ro rất lớn vì chính nhà đầu tư không biết mình giao tiền cho ai, có uy tín và minh bạch hay không. Vì thế, điều đầu tiên cần làm là đề nghị tổ chức phát hành hoặc đại lý phân phối cung cấp, tư vấn đầy đủ thông tin như lịch sử phát triển của doanh nghiệp, cơ cấu ban lãnh đạo, ngành nghề kinh doanh, báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ vay…
Thứ hai là, nhà đầu tư cần biết mục đích phát hành trái phiếu của doanh nghiệp để làm gì, ví dụ mở rộng hoạt động sản xuất, đầu tư phát triển hay tái cơ cấu nợ… Nhà đầu tư cá nhân tương đối khó tiếp cận sâu những thông tin này, nhưng nếu làm được sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đánh giá kế hoạch huy động và sử dụng vốn của doanh nghiệp có khả thi không.
Thứ ba, nhà đầu tư phải biết gói trái phiếu doanh nghiệp dự định phát hành có tài sản đảm bảo hay được bảo lãnh thanh toán bởi tổ chức nào không. Thông tin về tài sản đảm bảo hoặc tổ chức bảo lãnh là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ giảm trừ rủi ro cho khoản đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp không thể trả lãi hoặc gốc như cam kết.
Xem xét cân đối giữa rủi ro và lãi suất là một trong những kỹ năng nhà đầu tư cá nhân cần trang bị khi đầu tư trái phiếu. Không phải bỗng dưng có những trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 13-18% một năm, trong khi có loại cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng kể. Sau khi thẩm định chất lượng trái phiếu, tuỳ khẩu vị mà nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu có lãi suất và rủi ro ở mức chấp nhận được.
Ngoài trái phiếu thì còn rất nhiều kênh đầu tư truyền thống nên nhà đầu tư cần phân bổ tài sản cũng như kỳ hạn đầu tư để tận dụng hiệu quả tối đa. Nếu thời hạn trái phiếu quá dài, trong khi kỳ vọng năm tới sẽ có những kênh đầu tư hấp dẫn hơn thì việc nắm giữ sẽ không tạo ra nhiều giá trị.
Kỳ hạn phát hành bình quân trong nửa đầu năm nay là 4 năm và thị trường trái phiếu thứ cấp cũng đang phát triển khi nhiều công ty chứng khoán tham gia. Giao dịch dễ dàng hơn, đồng nghĩa nhà đầu tư nên lưu tâm đến những điều khoản mua bán hoặc hạn chế chuyển nhượng trái phiếu dự định nắm giữ
Phương Đông