Nhờ chính sách của chính phủ, nông dân Chiết Giang đã vay được 178 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD) bằng cách thế chấp đàn lợn.
Số lợn tại Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát năm 2018, khiến giá thịt lợn tăng chóng mặt. Đây lại là thực phẩm chính tại nước này. Lo ngại lạm phát lên cao, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích nông dân tái đàn và các trang trại lớn mở rộng quy mô. Tuy nhiên, những trang trại gia đình nhỏ – chiếm một phần ba trong hàng triệu trang trại lợn nước này – lại ngập trong nợ nần và có ít tài sản để thế chấp đi vay.
Khi số đàn lợn vẫn kém 20% so với cuối năm 2017, giới chức Trung Quốc đã tìm đến các ngân hàng quốc doanh để có giải pháp. Tháng 9/2019, giới chức ngân hàng và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thúc giục các nhà băng và hãng bảo hiểm tăng hỗ trợ cho nông dân nuôi lợn, trong đó có một chương trình thử nghiệm lấy lợn làm tài sản thế chấp.
Hồi tháng 3, bộ này đề nghị các ngân hàng bắt đầu chấp nhận lợn, quyền sử dụng đất và máy móc nông nghiệp làm tài sản thế chấp. Họ cũng hạ tới 90% tiêu chuẩn đối với một chương trình hỗ trợ vay, nhằm giúp các nông dân chỉ có khoảng 500 con lợn.
Kể từ đó, hàng chục triệu USD đã được cho vay trong chương trình thử nghiệm này. Hồi tháng 6, giới chức Chiết Giang cho biết nông dân tại 32 huyện tại tỉnh này đã vay tổng cộng 178 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD) bằng cách thế chấp lợn.
Tại Trùng Khánh, một công ty chăn nuôi lợn đã thế chấp đàn lợn được bảo vệ bằng chính sách bảo hiểm của chính phủ cho một nhà băng địa phương. Việc này giúp họ tăng gấp 4 khoản vay với nhà băng này, lên 38,5 triệu nhân dân tệ. Lãi suất cũng giảm từ 7,4% xuống 5%.
Đàn lợn thế chấp được giám sát từ xa bởi một cơ quan tại địa phương. Giá trị khoản vay được tính dựa trên giá lợn trung bình trong 60 ngày trước đó, theo một thông cáo tháng trước của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Việc cho vay thế chấp bằng gia súc không xa lạ trên thế giới. Một số ngân hàng Mỹ cũng cho nông dân vay ngắn hạn, nhận thế chấp bằng gia súc hoặc mùa màng.
Dù vậy, số tiền các nhà băng Trung Quốc cho vay trong chương trình này khá nhỏ so với quy mô cả hệ thống ngân hàng. Các nhà băng cũng lưỡng lự trong việc mở rộng hoạt động này.
Yanyan Liu – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết các ngân hàng sẽ đối mặt với thách thức cả về định giá lợn và thu giữ chúng nếu khoản vay biến thành nợ xấu. Liu cho biết giá lợn biến động rất lớn, khiến các ngân hàng có nguy cơ lỗ nếu giá giảm sau khi họ cho vay và sau đó phải thu giữ chúng. Các nhà băng cũng sẽ phải tạo ra hệ thống định giá, giám sát, quản lý và thậm chí bán lợn sau này.
“Làm việc với các nông dân nhỏ lẻ không có mấy ý nghĩa kinh tế với các ngân hàng”, bà nói. Đó là lý do các nhà băng có ít động lực mở rộng chương trình,
Feng Yonghui – nhà phân tích tại cổng thông tin về ngành chăn nuôi lợn Soozhu.com cho biết các ngân hàng có xu hướng giảm mạnh giá trị đàn lợn của nông dân khi quyết định khoản vay. Trên thực tế, họ cũng yêu cầu nông dân gộp thêm các tài sản khác, như máy móc hay xe cộ, với đàn lợn để thế chấp.
Đầu năm nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại sau vài tháng không ghi nhận trường hợp nhiễm mới tại các trang trại. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 4 cũng cho biết tình trạng báo cáo giảm nhẹ tình hình dịch bệnh đang tràn lan tại nước này.
Dù vậy, thị trường lợn Trung Quốc cũng đã có nhiều tiến triển. Số lợn đã tăng 13% trong tháng 7 so với năm ngoái. Nửa đầu năm nay, Trung Quốc xây mới 6.200 trang trại nuôi lợn mới. Gần 10.800 trang trại lớn đã bổ sung đàn sau khi hạn chế suốt 2 năm qua.
Giá bán lẻ thịt lợn tại đây tăng 53%, khiến giá thực phẩm tăng 11% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc. Dù vậy, tốc độ tăng cũng đã chậm lại so với tháng 7.
Hà Thu (theo WSJ)