Chậm trễ trong đàm phán thuê đất là một trong số lý do khiến SSI dự báo nửa cuối năm, lợi nhuận doanh nghiệp khu công nghiệp giảm mạnh.
Trong báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp mới đây, Công ty chứng khoán SSI chỉ ra mối liên hệ giữa tần suất các chuyến bay thấp và giảm diện tích thuê bất khu công nghiệp.
Do các đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam bị giảm, các chuyến tham quan thực địa, đàm phán giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước bị dừng, gián đoạn. Điều này khiến các vấn đề liên quan đến chốt hợp đồng cho thuê bị trì hoãn đáng kể. 6 tháng đầu năm, phần lớn hoạt động cho thuê diễn ra rất khiêm tốn.
Đầu tháng 9, Chính phủ quyết định miễn trừ yêu cầu kiểm dịch với chuyên gia nước ngoài, nhà đầu tư phần nào giải toả bớt tình trạng này. Dù vậy, tần suất chuyến bay vẫn rất thấp, khoảng 5.000 chuyến trong tháng 9, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương đầu tư. Do đó, SSI tin rằng ít nhất trong 6 tháng cuối năm, vấn đề này tiếp tục khiến thời gian đàm phán kéo dài. Diện tích thuê mới theo khu vực vì vậy giảm 12% so với cùng kỳ.
Mặt khác, SSI chỉ ra việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là “rào cản”, khiến thiếu hụt tổng quỹ đất cho thuê. Nguồn cung quỹ đất dự kiến chỉ tăng nhẹ 5% trong nửa cuối năm. Giá thuê đất khu công nghiệp được ước tính tăng 10% so với cùng kỳ ở khu vực phía Nam và 7-8% ở phía Bắc.
Do vậy, lãi ròng các công ty khu công nghiệp mà SSI quan sát được dự báo đạt 4.900 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Đơn cử, lợi nhuận ròng của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức ước giảm 63% so với cùng kỳ do không có khách hàng mới. Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 ước giảm 68% do doanh thu ghi nhận từ việc bán các khu dân cư Lộc An thấp hơn. Công ty cổ phần Becamex được dự báo giảm 56% do thiếu hụt các nhà đầu tư thuê mới tại khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng.
Chiều ngược lại, SSI dự báo Công ty cổ phần Long Hậu sẽ cho thuê 10 ha trong khu công nghiệp Long Hậu 3 với mức giá 120 USD một m2, nâng lợi nhuận ròng ước tính nửa cuối 2020 tăng 53% so với cùng kỳ. Công ty cổ phần khu công nghiệp Nam Tân Uyên được dự báo lợi nhuận ròng tăng 49% nếu cho thuê được 10 ha đất khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 trong quý IV với giá 90 USD một m2.
Báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hoá sản xuất của các doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2021. Việc chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau Covid-19. Một số tập đoàn lớn đã lên kế hoạch di dời như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn…
Chính sách khuyến khích từ Nhật Bản và Việt Nam cũng có thể tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Nhật mở rộng sản xuất ở Việt Nam như Shin-Etsu Chemical, HoYa Coporation, Matsuoka, Meiko Electronics, Yokowo và Nikkiso… Hầu hết công ty này đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc.
SSI cũng cho rằng quy hoạch các khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện (cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, Dầu Dây Phan Thiết, Bắc – Nam, cảng Cái Mép Thị Vải, cảng Gemalink), giá đất khu công nghiệp thấp… sẽ trợ lực cho khu công nghiệp thời gian tới.
Phương Ánh