HomeThương trườngHàng không Việt đặt cược vào cao điểm Tết

Hàng không Việt đặt cược vào cao điểm Tết

Ảnh hưởng nặng bởi hai đợt dịch, doanh nghiệp hàng không kỳ vọng được cứu sống nhờ vào cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới và mở lại đường bay quốc tế.

Mặc dù còn 4-5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng các đại lý cho biết, kể từ đầu tuần này đã có khách hỏi mua vé. Trong đó chặng TP HCM-Hà Nội, TP HCM-Hải Phòng/ Nghệ An đang được mua nhiều nhất. Nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn thì bắt đầu từ tháng 10 thị trường vé sẽ nhộn nhịp trở lại.

Hiện, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) đã mở bán vé Tết Tân Sửu 2021 với hơn 2 triệu ghế. Vietjet và Bamboo Airways mỗi hãng cung ứng 1,5 triệu vé. Như vậy, tổng lượng vé trên toàn mạng bay nội địa dịp Tết 2021 đạt khoảng 5 triệu vé, tăng khoảng 10% so với lượng vé Tết nội địa 2020.

Khảo sát trên kênh bán online của các hãng hàng không cho thấy, trong giai đoạn cao điểm, giá vé trên trục Hà Nội – TP HCM ghi nhận khoảng 6 triệu đồng (khứ hồi) với vé Vietnam Airlines đã bao gồm thuế phí; Bamboo Airways là 7 triệu đồng và Vietjet khoảng gần 6 triệu đồng.

Cùng với việc tung vé Tết để nhanh chóng tạo đà phục hồi sau ảnh hưởng của hai đợt dịch, các hãng cũng đua nhau bán vé giá rẻ các khung thời gian trước Tết 20 ngày với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Vì tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các hãng bay đều cho biết sẽ áp dụng chính sách hoàn/hủy tương đương với hạng vé và áp dụng riêng cho các chuyến bay bị hủy do dịch theo quy định từ nhà chức trách hàng không.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vắng khách. Ảnh: Quỳnh Trần.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vắng khách. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nói với VnExpress, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV cho rằng, mặc dù đại dịch đang hoành hành ngành công nghiệp hàng không trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng tình hình vẫn có vẻ sáng sủa khi hoạt động khai thác dịch vụ tại Việt Nam có nhiều khác biệt. Doanh nghiệp hàng không và dịch vụ vẫn có thể được cứu sống qua các đợt phục hồi ngắn hạn với cao điểm hè và sắp tới là Tết Nguyên đán.

Máy bay đậu tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.

Máy bay đậu tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.

Ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký, Phó chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng nhìn nhận, mặc dù hàng không đang bị thiệt hại nặng bởi hai đợt dịch, nhưng căn cứ vào quyết tâm kiểm soát dịch của Nhà nước thời gian qua thì Việt Nam đang dần khống chế được chúng.

Theo ông, tháng 10 hoạt động bay nội địa sẽ sớm sôi động trở lại. Còn đường bay quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan đang lên kế hoạch trình Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 xem xét việc mở 6 đường bay thương mại quốc tế từ 15/9. Trong đó, các đường bay dự kiến mở là Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Nếu đề xuất này được phê duyệt, hoạt động bay quốc tế sẽ nhanh chóng được phục hồi. Với tiềm lực sẵn có của các hãng như hiện nay thì tình hình kinh doanh của hàng không Việt sẽ nhanh chóng được cải thiện. Đặc biệt, dự kiến lượng khách sẽ tăng cao vào dịp Tết Nguyên Đán”, ông Nề nói.

Về phía các hãng hàng không, họ đều hy vọng, đợt dịch thứ 2 được kiểm soát tốt. Hết tháng 9 hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường và thị trường hàng không Tết sẽ là “điểm tựa” để hàng không bớt chật vật.

Với thị trường quốc tế, các hãng cho rằng, trước mắt thị trường châu Á sẽ phục hồi sớm nhất. Theo Vietjet, các thị trường như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc… đang kiểm soát được dịch bệnh. Do đó, việc khai thác các đường bay quốc tế tới các quốc gia, vùng lãnh thổ này sẽ sớm được nối lại ngay khi được sự cho phép của chính phủ các nước. Hiện, Vietjet đã chuẩn bị sẵn sàng để khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Ngoài kỳ vọng vượt khó nhờ dịp Tết Nguyên đán, các hãng đều có kế hoạch mua thêm tàu bay để đón đầu xu hướng sau khi dịch bệnh được khống chế.

Theo đó, đang khó khăn, Vietnam Airlines vẫn có kế hoạch mua mới 50 máy bay thân hẹp. Hãng cho đây là cơ hội để đàm phán mua máy bay mới với giá tốt khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng. Việc sắm này là mục tiêu để phục vụ giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh.

Còn với Vietjet, không tiết lộ số lượng tàu bay dự kiến mua thêm nhưng CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, hãng tiếp tục mua và nhận máy bay do có thể thương lượng được giá tốt.

Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh cho biết, công ty đã chuẩn bị kịch bản xấu nhất để duy trì hoạt động và đón đầu thị trường. Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút nên sẽ bùng nổ và bứt phá mạnh sau đại dịch.

Mới đây, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng có giải pháp mạnh để hỗ trợ ngành khi các hãng đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Một trong số các đề xuất là cho các hãng bay được vay gói tín dụng trị giá 25.000 – 27.000 tỷ đồng có hỗ trợ lãi suất trong 3-4 năm, miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm sau. Song song đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép mở lại đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19…

Thi Hà

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img