Nghỉ học để phản đối sáp nhập trường
Từ sau ngày khai giảng năm học mới 2020-2021 đến nay, hàng trăm gia đình ở các xã Tế Nông, Trung Chính, H.Nông Cống đồng loạt không cho con em đang là học sinh (HS) tiểu học đến trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, từ ngày 1.12.2019, xã Tế Tân sáp nhập với xã Tế Nông, lấy tên là xã Tế Nông; xã Trung Ý sáp nhập với xã Trung Chính, lấy tên là xã Trung Chính.
Cùng với đó, các cấp chính quyền H.Nông Cống triển khai sáp nhập các cấp trường học. Tuy nhiên, do việc thực hiện sáp nhập các trường học quá sát ngày khai giảng, dẫn đến chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
|
Cụ thể, theo kế hoạch năm học 2020 – 2021 của tỉnh Thanh Hóa, thì thời gian tựu trường được tổ chức vào ngày 1.9, ngày 5.9 khai giảng, thế nhưng, mãi đến này ngày 31.8 (sát ngày tựu trường), UBND Nông Cống mới có quyết định chính thức về việc sáp nhập trường, đổi tên trường, và đến sáng 1.9 huyện mới cử đoàn công tác về các xã công bố quyết định.
Sáng 1.9, sau khi được huyện công bố quyết định, chính quyền các xã Trung Chính, Tế Nông mới bắt đầu phát đi thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về việc sáp nhập trường để người dân biết, đưa con em đến trường tựu trường vào ngày 4.9 (không tựu trường theo kế hoạch của tỉnh), và khai giảng năm học mới (ngày 5.9).
Tại xã Tế Nông, trong các ngày từ 7 – 9.9, chỉ có hơn 30 HS trong tổng số 212 HS ở khu vực xã Tế Tân cũ đến trường. Tại xã Trung Chính, từ ngày 7-9.9, chỉ có từ 49 – 63 HS trong tổng số 148 HS khu vực xã Trung Ý cũ đến trường. Việc phụ huynh không cho con đến trường tiếp tục diễn ra trong hôm nay, 10.9.
|
Theo người dân, nguyên nhân khiến họ không cho con đến lớp là do chính quyền quyết định sáp nhập trường quá đột ngột, cận kề ngày khai giảng năm học mới, khiến phụ huynh không thể bố trí được việc đưa đón con (học ở trường cũ, các con tự đi). Hơn nữa, quãng đường sang các điểm trường mới để học xa (từ 3 – 4 km) phải đi qua nhiều đoạn quốc lộ, đoạn đường đông người, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nên các phụ huynh lo lắng.
“Chúng tôi hiểu là phải làm theo chủ trương đúng đắn. Nhưng việc sáp nhập trường ở đây không phải là bắt buộc, mà phải xem xét địa điểm, địa lý, địa phương của chúng tôi. Cấp tiểu học, các con chúng tôi chưa có ý thức giao thông, ra đường rất nguy hiểm. Chúng tôi thì bận bịu kiếm ăn, không thể đưa đón con cháu đi học được. Chúng tôi mong muốn được con em mình học tại trường cũ cho thuận tiện”, một phụ huynh ở xã Trung Chính nói.
|
Thất bại trong việc tuyên truyền
“Đúng là việc công bố sáp nhập trường có hơi gấp. Trước khi sáp nhập trường thì không có cuộc họp dân hay họp phụ huynh để thông báo cả. Tháng 6 vừa qua, cử tri cũng có phản ánh là không đồng ý về việc sáp nhập trường. Tôi cũng đã đại diện chính quyền giải trình với người dân, việc sáp nhập trường là cần thiết, nhưng dân vẫn không nghe. Đây là thất bại trong việc tuyên truyền của chúng tôi với người dân”, ông Phùng nói.
Ngày 10.9, trao đối với Thanh Niên, ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nông Cống, cho biết chiều 9.9, UBND H.Nông Cống đã tổ chức cuộc họp khẩn gồm lãnh đạo huyện, đại diện các xã và các trường để bàn biện pháp xử lý vụ việc. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định cuối cùng để giải quyết vụ việc.
“Việc có giữ lại các điểm trường cũ làm điểm lẻ theo nguyện vọng của người dân hay không thì chưa có quyết định, chỉ là mới đưa ra để bàn thôi. Vì nếu giữ lại làm điểm lẻ nó còn nhiều vấn đề lắm, như người phụ trách, bảo vệ, đầu tư cơ sở hạ tầng… Sáng nay (10.9 – phóng viên) chính quyền các xã đang đối thoại với người dân để lắng nghe ý kiến. Chiều nay Ban Chỉ đạo sáp nhập trường của huyện sẽ họp để tiếp tục bàn và đưa ra biện pháp xử lý vụ việc”, ông Xuân nói.
Như vậy, khi phụ huynh và chính quyền các cấp chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục sáp nhập trường nữa hay không, thì hàng trăm HS tiểu học vẫn đang tiếp tục phải ở nhà.