Nkosi Johnson (1989-2001), quê ở thị trấn phía đông thành phố Johannesbur (Nam Phi) từng có bài phát biểu lay động hàng triệu người.
Hôm nay (4/2) là kỷ niệm 31 năm ngày sinh nhật của Nkosi Johnson (tên khai sinh là Xolani Nkosi) – cậu bé 12 tuổi từng được coi là biểu tượng của phong trào chống AIDS.
Nkosi được biết đến như một nhà hoạt động người Nam Phi, sinh ngày 4/2/1989 và mất ngày 1/6/2001 tại một thị trấn phía đông thành phố Johannesburg. Từ khi mới ra đời, Nkosi đã dương tính với HIV bởi mẹ em là Nonthlanthla Daphne Nkosi dương tính với virus này.
Khi bệnh AIDS bắt đầu hủy hoại mình, Daphne đưa con trai Nkosi đến một trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS tại Johannesburg. Sự xuất hiện của hai mẹ con Nkosi khiến Gail Johnson, Giám đốc trung tâm, đồng cảm. Bà quyết định nhận nuôi Nkosi. Từ đó, Nkosi và mẹ nuôi bắt đầu cuộc chiến chống lại HIV/AIDS.
Đến tuổi đi học, Nkosi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì bị AIDS. Đáp lại điều đó, mẹ nuôi Gail đã đấu tranh quyết liệt, tổ chức các hội thảo giáo dục cộng đồng Nam Phi về AIDS và những nỗ lực của bà đã khiến luật pháp yêu cầu các trường phải duy trì chính sách chống phân biệt đối xử, bảo vệ những đứa trẻ như Nkosi. Em được trường tiểu học ở địa phương nhận vào học.
Tháng 7/2000, một năm trước khi qua đời, Nkosi Johnson thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế với bài phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 13 ở Durban, Nam Phi. Cậu bé kêu gọi lòng trắc ẩn của con người đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS khiến hàng triệu khán giả xúc động.
Nkosi và mẹ nuôi Gail đã lập ra các trung tâm Nkosi’s Haven – ngôi nhà chăm sóc sức khỏe cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi AIDS. Đến nay, tổ chức phi chính phủ này vẫn hoạt động.
Nkosi Johnson phát biểu trong hội nghị về AIDS năm 2000. Ảnh: The Citizen |
Dưới đây là bài phát biểu truyền cảm hứng của Nkosi Johnson.
“Xin chào mọi người, cháu tên là Nkosi Johnson, sống ở Melville, Johannesburg, Nam Phi. Năm nay cháu 11 tuổi, sinh ra đã nhiễm HIV và giờ là bệnh nhân AIDS.
Năm cháu hai tuổi, cháu đã sống trong một trung tâm chăm sóc dành cho những người nhiễm HIV/AIDS. Mẹ cháu cũng bị nhiệm bệnh và không đủ khả năng nuôi cháu. Mẹ rất sợ cộng đồng sẽ phát hiện ra cả hai mẹ con đều nhiễm bệnh và đuổi mẹ con cháu đi.
Cháu biết mẹ yêu cháu rất nhiều và sẽ đến thăm cháu bất cứ khi nào có thể. Nhưng sau đó trung tâm chăm sóc phải đóng cửa vì không có đủ kinh phí hoạt động. Vì vậy, mẹ nuôi cháu, Gail Johnson, giám đốc trung tâm, đã đưa cháu về nhà, nuôi nấng cháu suốt tám năm nay.
Mẹ nuôi đã dạy cháu tất cả về việc bị nhiễm bệnh và cách cháu nên cẩn thận với máu của mình. Nếu cháu ngã hay tự cắt tay gây chảy máu, cháu sẽ phải tự băng vết thương, nhờ một người lớn giúp đỡ làm sạch nó và băng lại.
Cháu biết máu của cháu chỉ nguy hiểm cho người khác nếu họ cũng có vết thương hở và máu của cháu dính vào đó. Đó là lúc duy nhất mọi người cần cẩn thận khi chạm vào cháu.
Năm 1997, mẹ Gail đã đến trường tiểu học Melpark và điền vào mẫu đơn nhập học cho cháu. Mẹ khai cháu bị AIDS.
Mẹ Gail và cháu luôn cởi mở việc cháu bị AIDS. Và mẹ Gail đã chờ đợi để nghe được câu trường chấp nhận cho cháu nhập học. Tuy nhiên, phía trường đã phải tổ chức một cuộc họp để bàn về trường hợp của cháu.
Trong số phụ huynh và giáo viên tại cuộc họp, 50% đồng ý cho cháu nhập học và 50% không. Các buổi hội thảo về AIDS đã được thực hiện tại trường để phụ huynh và giáo viên chia sẻ không nên sợ những đứa trẻ bị AIDS. Cháu rất tự hào nói rằng hiện đã có chính sách cho tất cả trẻ em nhiễm HIV được phép đi học và không bị phân biệt đối xử.
Cùng năm đó, ngay trước khi cháu bắt đầu đi học, mẹ ruột Daphne qua đời. Bà đã đi nghỉ tại Newcastle (Anh) rồi vĩnh viễn không tỉnh lại sau giấc ngủ. Mẹ Gail nhận cuộc điện điện thoại rồi nói lại với cháu về sự ra đi của mẹ Daphne khiến cháu bật khóc.
Mẹ Gail đã đưa cháu đến đám tang mẹ Daphne. Cháu nhìn thấy mẹ trong quan tài với đôi mắt đã nhắm lại. Rồi sau đó cháu nhìn thấy mọi người hạ mẹ cháu xuống và dùng đất che lại. Bà của cháu đã rất buồn vì con gái đã mất. Đó cũng lần đầu tiên cháu nhìn thấy bố mình. Cháu chưa bao giờ biết cháu có một người bố. Cháu tự nghĩ tại sao ông ta lại bỏ mẹ và cháu?
Kể từ sau đám tang, cháu đã nhớ mẹ rất nhiều và cháu ước mẹ ở bên cháu nhiều hơn. Nhưng cháu biết mẹ cháu đang ở trên thiên đường và đang dõi theo cháu. Mẹ luôn ở trong tim cháu.
Cháu ghét bị AIDS và cháu rất buồn khi nghĩ về tất cả bạn nhỏ bị AIDS như cháu. Cháu chỉ mong chính phủ có thể bắt đầu cung cấp AZT (một loại thuốc điều trị có thể làm chậm tiến trình HIV/AIDS) cho các bà mẹ nhiễm HIV đang mang thai để giúp ngăn chặn virus truyền sang con họ.
Các em bé sẽ chết rất nhanh. Cháu biết một em bé bị bỏ rơi đã đến ở cùng chúng cháu, đó là Micky. Em ấy không thể thở, không thể ăn và mẹ Gail phải đưa em vào viện. Thế rồi, em ấy đã chết. Nhưng em ấy rất dễ thương và cháu nghĩ chính phủ phải bắt đầu làm điều gì đó bởi cháu không muốn những em bé bị chết.
Bởi vì cháu bị tách khỏi mẹ từ khi còn nhỏ, vì cả hai mẹ con đều nhiễm HIV, mẹ Gail và cháu luôn muốn thành lập một trung tâm chăm sóc cho các bà mẹ nhiễm HIV/AIDS và con của họ. Cháu rất vui và tự hào khi Nkosi’s Haven đầu tiên đã được khai trương vào năm ngoái và đã chăm sóc cho 10 bà mẹ cùng 15 bạn nhỏ. Mẹ Gail và cháu muốn mở năm Nkosi’s Haven vào cuối năm tới bởi vì cháu muốn nhiều bà mẹ nhiễm bệnh được sống cùng với con. Họ không được xa cách con mà cần ở bên nhau để sống lâu hơn, hạnh phúc hơn.
Khi lớn lên, cháu muốn giảng cho ngày càng nhiều người biết về AIDS và nếu mẹ Gail cho phép, cháu sẽ đi tới mọi nơi ở Nam Phi. Cháu muốn mọi người hiểu về AIDS – hãy cẩn trọng và tôn trọng AIDS – mọi người không thể bị AIDS nếu chạm, ôm, hôn, nắm tay người nhiễm bệnh. Hãy chăm sóc và chấp nhận chúng cháu – chúng cháu đều là con người mà. Chúng cháu vẫn rất bình thường. Chúng cháu có tay, có chân. Chúng cháu có thể đi lại, trò chuyện. Chúng cháu có nhu cầu như mọi người khác. Đừng sợ chúng cháu, chúng ta đều giống nhau mà”.
Dương Tâm (Theo SABC)