Sắp được mua bán T+0 và bán khống?
Linh Trang
(TBKTSG) – Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203 ban hành năm 2015. Hai điểm mới khiến nhà đầu tư hào hứng là quy định về giao dịch trong ngày và cho bán khống có bảo đảm.
Hoạt động bán khống sẽ giúp định giá các tài sản tài chính sát với giá trị thực hơn. Ảnh: THÀNH HOA |
Sắp được mua bán T+0?
Giao dịch trong ngày (T+0) là mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.
Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán.
Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao.
Về cách thức thực hiện, hoạt động giao dịch trong ngày phải bảo đảm tuân thủ một số nguyên tắc. Điển hình như tại mỗi công ty chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản giao dịch trong ngày. Tài khoản giao dịch trong ngày là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán hiện có của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán phải hạch toán tách biệt tài khoản giao dịch trong ngày với tài khoản giao dịch chứng khoán và tài khoản giao dịch ký quỹ (nếu có) của từng nhà đầu tư. Công ty chứng khoán là đơn vị có quyền lựa chọn mã chứng khoán có trong danh sách chứng khoán niêm yết được giao dịch ký quỹ để thực hiện giao dịch trong ngày. Nhà đầu tư có trách nhiệm đặt các lệnh giao dịch, bảo đảm tổng số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng tổng số chứng khoán cùng mã trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại. Trường hợp tổng số chứng khoán của các lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn tổng số chứng khoán của các lệnh mua đã thực hiện hoặc ngược lại, thì công ty chứng khoán có trách nhiệm thanh toán thay cho nhà đầu tư số tiền hoặc chứng khoán thiếu hụt tại ngày thanh toán.
Nếu quy định mới về giao dịch trong ngày này được thông qua thì sẽ là cú hích lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là ở khía cạnh cải thiện thanh khoản và tăng sự hấp dẫn cho các cơ hội đầu tư trên thị trường.
Nghiệp vụ T+0 là điều đã được giới đầu tư mong mỏi nhiều năm nay. Cơ chế T+2 hiện tại khiến vòng quay vốn chậm lại và các nhà đầu tư thường bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư (cả chốt lời lẫn bán cắt lỗ), nhất là vào những thời điểm thị trường có biến động mạnh.
Điểm băn khoăn duy nhất là mức độ sẵn sàng đáp ứng về mặt hệ thống của cả các đầu mối xử lý lẫn các công ty chứng khoán hiện tại có thể chưa cao, dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai và ứng dụng trong thực tế, qua đó khiến kỳ vọng của nhà đầu tư về việc sớm triển khai được nghiệp vụ T+0 có thể sẽ bị chậm lại.
Và cho phép bán khống?
Ngoài việc giao dịch trong ngày, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính còn gây chú ý lớn với nội dung cho phép giao dịch bán khống có bảo đảm. Cụ thể, tại điều 2 của dự thảo về Giải thích từ ngữ, giao dịch bán khống được định nghĩa là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đã bán để hoàn trả khoản vay.
Còn tại điều 11 về giao dịch bán khống có bảo đảm, các tiêu chí cụ thể hơn cũng đã được làm rõ như: tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản; các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được phép giao dịch bán khống có bảo đảm phải đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch, quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh, tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trên cơ sở tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định, sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách cổ phiếu sẽ được giao dịch hoặc không được giao dịch bán khống có bảo đảm.
Về mặt tích cực, hoạt động bán khống sẽ giúp định giá các tài sản tài chính sát với giá trị thực hơn. Điều này được thể hiện qua việc nhà đầu tư có thể thực hiện nghiệp vụ bán khống các cổ phiếu đã tăng giá quá cao, vượt xa giá trị nội tại của doanh nghiệp, góp phần hạn chế hiện tượng đầu cơ thổi giá cổ phiếu mà không có căn cứ. Ngoài ra, nếu được áp dụng nghiệp vụ bán khống, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ đáp ứng thêm một tiêu chí trong bảng danh sách đánh giá triển vọng nâng hạng thị trường của các tổ chức như FTSE hay MSCI.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, hoạt động bán khống cũng có thể khiến thị trường biến động với tần suất và mức độ mạnh hơn, nhất là trong những giai đoạn có tin tức bất ngờ và nhà đầu tư chưa đủ thời gian để bình tĩnh nghiên cứu, đánh giá. Đặc biệt, điều này sẽ càng bất lợi hơn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn thường bị tác động bởi tâm lý đám đông, trong khi khả năng phân tích thông tin, dự báo thị trường còn nhiều hạn chế so với các nhà đầu tư là tổ chức lớn.
Tóm lại, việc cho phép nghiệp vụ bán khống sẽ như con dao hai lưỡi, do đó việc áp dụng vào thực tế cần sự nghiên cứu thấu đáo và lộ trình phù hợp nhằm giúp thị trường có thêm các công cụ giao dịch mới nhưng cũng không tạo ra quá nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định và phát triển của thị trường trong dài hạn.