Thanh toán điện tử dịch vụ công đang khởi sắc
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Hoạt động thanh toán điện tử trong mảng dịch vụ công đang khởi sắc mạnh mẽ do hàng loạt chính sách được đẩy mạnh thực hiện nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam cũng như tạo thuận tiện cho người dùng, tiết kiệm chi phí…
Hoạt động thanh toán điện tử ngày càng khởi sắc. Ảnh minh họa: Napas |
Thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 30%
Thời gian gần đây, người dân Hà Nội đã không còn nhìn thấy hình ảnh nhân viên đi thu tiền điện và tiền nước hằng tháng như vẫn thường thấy nhiều năm nay. Thay vào đó, người dân nhận được tin nhắn thông báo về số tiền điện, nước hằng tháng gia đình sử dụng vào số điện thoại di động đã đăng kí trước. Sau đó các hộ gia đình có thể chọn cách thanh toán qua hình thức chuyển khoản ngân hàng, các loại ví điện tử hoặc đến các điểm đại lý thanh toán của ngành điện, nước như: các cửa hàng Vinmart+, các cửa hàng FPT shop…
Với động thái trên, ngành điện, nước muốn thúc đẩy người dân sử dụng hình thức thanh toán điện tử trên nền tảng hạ tầng thanh toán điện tử đã khá phát triển, giảm nhân lực nhân viên thu tiền điện, nước cũng như hưởng ứng chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của chính phủ.
Tại một cuộc hội thảo nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử được Ngân hàng Nhà nước tổ chức gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. Bên cạnh đó ngân hàng cũng giảm được chi phí in tiền. Hiệu quả của hoạt động ngân hàng được cải thiện khi đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam vào giữa năm 219 mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương diện thanh toán. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia đạt thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất thế giới, với tỉ lệ chiếm đến 80% tổng giao dịch.
Ông Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đặt ra mục tiêu trong năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán. Đến năm 2022 sẽ chiếm tỷ lệ 50% trên tổng phương diện thanh toán.
Nỗ lực đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ công
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, đầu tháng tư năm nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản (số 2198/NHNN-TT) về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí…
Thêm nữa, ngày 26-5 vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Chị thị nêu rõ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Nhưng tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra. Thanh toán điện tử mới chỉ chiếm 11,33%. Việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2545/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Chính phủ.
Thực hiện chỉ thị trên, giữa tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) công bố triển khai các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng thực hiện thanh toán bằng thẻ nội địa Napas. Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Napas cho hay tính đến tháng 6 vừa qua, hệ thống Napas xử lý trung bình 2,8 triệu giao dịch/ngày với giá trị đạt 21.000 tỉ đồng.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thíc đẩy thanh toán điện tử các dịch vụ công, trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua Napas đã 2 lần giảm phí dịch vụ như: miễn phí chuyển tiền thanh toán đối với dịch vụ công và miễn, giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống; giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ hơn 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng… Thời gian áp dụng đến hết ngày 31-12-2020.
Thông tin từ Napas cho biết, trong tháng 3, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và cộng đồng thực hiện nhiều biện pháp về phòng chống dịch bệnh, trong đó có giản cách xã hội, tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng giá trị nhỏ qua Napas tăng hơn 32% so với tháng 2. Điều này cho thấy, khách hàng đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đánh giá về kết quả triển khai chương trình miễn giảm phí được thực hiện thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đăng Hùng cho biết: 100% các giao dịch giá trị nhỏ dưới 2 triệu đồng được thực hiện giảm phí qua Napas, chiếm 54,2% tổng số lượng giao dịch của dịch vụ, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân/tháng đạt 6,8%.
Vào năm 2015, cứ 10 giao dịch qua Napas thì có 9 giao dịch là rút tiền mặt. Nhưng đến năm 2019, giao dịch rút tiền mặt giảm chỉ còn 4 giao dich. Dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng qua Napas tăng trưởng ấn tượng đạt 260% số lượng giao dịch lũy kế hằng năm. Điều này cho thấy, người dân đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Đẩy mạnh thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến
Hiện nay để đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được các cơ quan, bộ ngành và địa phương đưa vào cung cấp. Hướng đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cửa, cuối năm ngoái Văn phòng Chính phủ đã ra mắt cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) trên cơ sở tích hợp các dịch vụ hành chính công của các bộ ngành, tỉnh thành vào một website. Người dân khi có nhu cầu làm dịch vụ hành chính công nào đó, thay vì truy cập vào website cung cấp dịch vụ công của các bộ ngành, tỉnh thành cũng có thể truy cập vào cổng này. Ngày 19-8 vừa qua, đánh dấu dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 được tích hợp cung cấp trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông là một dịch vụ liên quan đến nhiều người dân khi tham gia giao thông. Dịch vụ này đã được cung cấp trên toàn quốc từ 1-7-2020.
Tuy nhiên tính từ thời điểm dịch vụ này được chính thức triển khai trên toàn quốc đến ngày 13-8 vừa qua mới có 155 giao dịch nộp phạt vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện thành công. Số lượng giao dịch thất bại là 726 giao dịch, chiếm 77%.
Nhằm khắc phục tình trạng trên cũng như hỗ trợ thanh toán cho các dịch vụ công trực tuyến, cuối tháng 7 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Napas ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov (www.pay.gov.vn) để giúp người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí với các dịch vụ công trực tuyến do cổng thông tin một cửa quốc gia hay của các bộ, ngành, địa phương cung cấp. Cổng này cho phép hơn 100 triệu khách hàng sử dụng thẻ nội địa và tài khoản thanh toán của tất cả các ngân hàng Việt Nam có thể thanh toán các dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Việc đưa vào vận hành PayGov là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cũng là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 2 vừa qua. Sau một tháng đi vào hoạt động, đã có 14 đơn vị trung gian thanh toán kết nối đến hệ thống PayGov, chiếm hơn 95% thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Đã có 33 bộ, địa phương đã và đang thực hiện kết nối với PayGov.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục đôn đốc các bộ ngành, địa phương còn lại kết nối với PayGov để đưa các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4 để có thể sớm hoàn thành chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (có thể thanh toán trực tuyến) trong năm nay theo yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 17 của Chính phủ.
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện tại, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của cả nước hiện đạt lần lượt khoảng 31% và 15%. Nhờ kết nối với PayGov, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh là 2 đơn vị đã góp phần đưa tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cung cấp cho người dân, doanh nghiệp lần lượt đạt gần 52% và 36%.
Những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong thời gian gần đây cho thấy việc thanh toán điện tử các dịch vụ công đang và sẽ khởi sắc trong thời gian tới.