Tuy nhiên, sự thực lại không phải như vậy! Dù là lần đầu hay khi tái ra mắt sản phẩm, nhiều hơn luôn đồng nghĩa với ‘tăng thêm rủi ro’. Nhiều hơn còn kéo theo cả những sự phức tạp không cần thiết, cũng như tiêu tốn thêm thời gian dành cho marketing, mà rốt cục, dẫn tới việc chi phí bị đội lên rất nhiều.
Theo doanh nhân, diễn giả người Mỹ – Scott Duffy, muốn đạt được hiệu quả cao mà ít tốn kém khi tung sản phẩm mới ra thị trường, các startup nhất định phải nằm lòng một số điều.
Scott Duffy là một doanh nhân, diễn giả chuyên tư vấn chiến lược phát triển cho doanh nghiệp tại Mỹ. Được biết, Duffy từng có thời gian làm việc cho diễn giả, triệu phú tự thân nổi tiếng Tony Robbins cũng như nhiều thương hiệu truyền thông lớn như CBS Sportsline, NBC Internet và FOXSports.com.
Duffy cũng là nhà sáng lập Smart Charter – một công cụ đặt vé máy bay trực tuyến dành cho các hãng hàng không tư nhân, mà sau này đã được tập đoàn Virgin của tỷ phú Richard Branson mua lại. Nội dung dưới đây được tạp chí Entrepreneur, trích từ cuốn sách Breakthrough của Duffy – là những lời khuyên dành cho các nhà khởi nghiệp chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường.
1. Đừng cố xây mọi thứ trong một sớm một chiều
Tôi có một người bạn thân từng gọi được 2 triệu USD tiền vốn để thành lập một startup cung cấp dịch vụ Internet. Gọi được từng ấy vốn để bắt đầu kinh doanh không phải là việc dễ dàng gì, nên đương nhiên, tôi rất mừng cho cậu ấy. Ngây ngất trong chiến thắng, cậu ấy bảo rằng, bản thân không thể chờ nổi cho tới lúc chính thức được bắt tay vào làm website.
Một năm sau, khi tình cờ gặp lại nhau, tôi đã hỏi thăm startup của cậu. Cất bài ca thán, cậu ấy nói tình hình rất tệ; mà thực ra, cậu ấy đang trên đường tới gặp luật sư để xin đóng cửa công ty.
Chuyện là, startup của cậu vừa tung sản phẩm ra thị trường cách đó vài tháng, nhưng ngân sách giờ đã cạn. Tôi hỏi tại sao thế, thì cậu ta liền nói về tầm nhìn vĩ mô của mình; rồi về việc công ty đặt mục tiêu cung cấp mọi thứ mà khách hàng cần ra sao…
Mục tiêu mà cậu và các cộng sự nhắm tới là biến website của họ trở thành một one-stop shop – nơi sẽ phục vụ tất thảy nhu cầu của người dùng. Cậu và cả nhóm đã dồn hết tiền bạc, thời gian để phát triển một trang web hoành tráng, toàn diện, và tin chắc rằng, các khách hàng mục tiêu sẽ chẳng thể lựa chọn ai khác ngoài họ, một khi website này được tung ra.
Tuy nhiên, lúc mới thành lập công ty, họ đã không đi theo hướng như vậy, song chỉ cung cấp một giải pháp cho một đối tượng khách hàng mà thôi. Vào thời điểm ấy, đó đã là một mô hình kinh doanh đơn giản, dễ hiểu. Thế nhưng, khi dòng vốn chảy vào, trọng tâm của mọi người bắt đầu nghiêng sang các “ý tưởng tuyệt vời” khác và “những mục tiêu hoành tráng” hơn. Cứ như vậy, họ tiếp tục thêm vào, thêm vào rồi lại thêm vào nhiều tính năng khác.
Rốt cục, từ chỗ chỉ cung cấp giải pháp cho một đối tượng khách hàng cụ thể, startup của bạn tôi đã biến thành một one-stop shop với đủ mọi thứ và phục vụ cho vô số đối tượng khác nhau. Rồi, khi nguồn vốn vơi dần, họ đã buộc phải ép sản phẩm của mình ra đời sớm hơn dự định. Và, sau khi ra mắt sản phẩm, họ ngỡ ngàng nhận ra, gần như toàn bộ người dùng (95%) chỉ sử dụng có 5% trang web mà thôi. Cay đắng hơn, 5% ấy lại chính là giải pháp mà họ đã cung cấp từ những ngày công ty mới thành lập. 95% thời gian và tiền bạc mà họ đã dốc hết sức đầu tư coi như đổ sông đổ bể.
Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp, mô hình kinh doanh đơn giản, dễ hiểu. Thế nhưng, khi dòng vốn chảy vào, trọng tâm của mọi người bắt đầu nghiêng sang các “ý tưởng tuyệt vời” khác và “những mục tiêu hoành tráng” hơn.
Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp, hãy tránh để bản thân rơi vào các “ý tưởng tuyệt vời” khác và “những mục tiêu hoành tráng” hơn mà quên mất mô hình kinh doanh đơn giản, hiệu quả ban đầu, vì đôi khi, ‘nhiều hơn chưa hẳn đã là tốt hơn’.
2. Hãy tập trung vào một thứ, và đó phải là thứ đơn giản nhất
Khi chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới, hãy dồn hết tâm sức của bạn cho nó; và ở mỗi giai đoạn, chỉ tập trung vào duy nhất một thứ mà thôi. Đồng thời, cần nhớ rằng, đó nên là thứ đơn giản nhất chứ không phải phức tạp nhất. Tùy theo điều kiện, startup có thể triển khai phép thử minimum viable product (MVP – sản phẩm với tính năng tối thiểu). MVP sẽ giúp startup kiểm tra phản ứng của người dùng đối với sản phẩm của bạn cũng như xác thực các giả định của bạn về khách hàng cũng như giúp tiết kiệm chi phí và công sức.
Thêm vào đó, MVP sẽ giúp bạn thâm nhập vào thị trường một cách nhanh chóng, thu thập phản hồi có giá trị và tránh việc lãng phí thời gian để phát triển những sản phẩm mà khách hàng không mong muốn. Vận dụng chiến lược này sẽ làm giảm đáng kể rủi ro, cũng như giúp bạn tránh khỏi cái bẫy mà cậu bạn của tôi đã sa vào. Hãy nhớ, lúc mới bắt đầu, Amazon chỉ là một cửa hàng sách trực tuyến mà thôi.
3. Khi tung sản phẩm mới ra thị trường hãy nhớ quy tắc 85%: Tốt là đã đủ
Cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo cho kỳ được là kẻ thù của bất cứ sản phẩm nào. Thông thường, khi hoàn thành khoảng 85% chặng đường là bạn đã sẵn sàng để tung sản phẩm ra thị trường rồi. Theo kinh nghiệm của tôi, trong giai đoạn này, nỗ lực hoàn thiện 100% không đáng so với thì giờ và chi phí bỏ ra. Tốt hơn hết là bạn nên tung sản phẩm ra thị trường và bắt đầu thử nghiệm.
4. Hãy tích cực trong việc thu thập, học hỏi từ phản hồi
Một khi đã tung sản phẩm ra thị trường, hãy tích cực lắng nghe và học hỏi từ khách hàng của bạn. Hãy xây dựng một bảng câu hỏi phản hồi để nghiên cứu mọi thông tin có thể. Ví dụ, người dùng thích và không thích điểm gì ở sản phẩm? Họ muốn tính năng nào được thêm vào để nâng cao trải nghiệm sản phẩm? Tính năng nào không hữu dụng hay ít được chú ý? Hãy làm mọi điều trong khả năng để tương tác với người dùng của bạn, từ trả tiền khuyến khích khi trả lời khảo sát, tiếp cận thông qua mạng xã hội cho tới gọi điện trực tiếp để lắng nghe.
Dẫu vậy, phần khó nhất đối với nhiều người làm kinh doanh là toàn tâm toàn ý lắng nghe những gì mà khách hàng nói. Với từng ấy thời gian và tâm huyết dành cho dự án, có thể, bạn sẽ khó tiếp thu những phản hồi tiêu cực. Bạn sẽ dễ có khuynh hướng cho rằng, khách hàng đơn giản là không hiểu sản phẩm. Tuy nhiên, hãy nhớ, phản hồi là công cụ giá trị nhất đối với một người làm kinh doanh. Thế nên, hãy lắng nghe, cân nhắc và sử dụng những gì học được để cải thiện, bỏ bớt một số tính năng hay thậm chí là làm lại sản phẩm.
5. Tránh xa căn bệnh “thấy cái gì cũng hay”
Trong quá trình phát triển MVP, hãy tránh xa căn bệnh thấy ý tưởng nào cũng tốt, thấy tính năng nào cũng hay. Dù nhiều trong số chúng nghe có vẻ hay tại thời điểm đó, song thực chất, chúng chỉ là những thứ làm bạn xa rời khỏi mục tiêu lớn của mình mà thôi. Nên nhớ, nhiệm vụ của bạn là phải tập trung vào một thứ duy nhất, tung nó ra thị trường rồi đi đến sản phẩm tiếp theo.
window.fbAsyncInit = function() { FB.init({ xfbml : true, version : 'v8.0' }); };
(function(d, s, id) { var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0]; if (d.getElementById(id)) return; js = d.createElement(s); js.id = id; js.src = 'https://connect.facebook.net/vi_VN/sdk/xfbml.customerchat.js'; fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs); }(document, 'script', 'facebook-jssdk'));