Thí sinh nông thôn căng thẳng trước môn Ngoại ngữ

Gia LaiĐiểm tổng kết cuối năm môn tiếng Anh ở mức trung bình, Trần Đình Huy, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, tỏ ra lo lắng cho môn thi cuối cùng, chiều 10/8.

Trưa nay, vừa ra khỏi điểm thi trường THPT Nguyễn Huệ ở trung tâm huyện Đăk Đoa, Trần Đình Huy cùng mẹ vào quán nước cạnh trường. Vừa ngồi xuống, nam sinh lấy vở ghi chép môn tiếng Anh xem lại, nét mặt đăm chiêu.

Người mẹ hỏi “thích ăn gì để mẹ mua”, cậu vẫn không rời mắt khỏi xấp tài liệu, nói “con ăn gì cũng được”.

Trần Đình Huy, lo lắng trước khi bước vào thi môn Ngoại ngữ. Ảnh: Trần Hóa.

Trần Đình Huy bày tỏ lo lắng trước khi thi ngoại ngữ. Ảnh: Trần Hóa.

Nhà Huy ở xã Trang, huyện Đăk Đoa, cách trường THPT Nguyễn Huệ khoảng 17 km. Suốt những năm cấp ba, cậu phải thuê trọ gần trường để tiện học hành, chỉ về nhà ngày cuối tuần. Có thời gian Huy ở lại luôn nhà trọ vì bố mẹ đã vào Đồng Nai làm công nhân, người anh đi xuất khẩu lao động.

Huy kể, sau giờ lên lớp chỉ ở nhà lên mạng tự học hoặc chơi thể thao cùng bạn bè. Vài tháng trước kỳ thi THPT, cậu chăm học hơn để “cố gắng cho được cái bằng tốt nghiệp rồi tính tiếp”. “Trong các môn, em sợ tiếng Anh nhất, đôi khi ám ảnh”, Huy nói và cho biết môn thi chiều nay sẽ quyết định mình đậu hay không.

Cách điểm thi của Huy hơn 80 km, Đinh Thị Xuyết, học sinh trường THPT Hà Huy Tập, cũng rất căng thẳng trước môn thi Anh văn. Ngồi trong ký túc xá của trường, nữ sinh người Ba Na cố ôn lại kiến thức.

Nhà Xuyết ở làng Bla, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, cách trường nội trú hơn 35 km. Năm học này đối với nữ sinh là khó khăn nhất, vì thời gian dài nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 không thể ôn bài do sóng điện thoại và Internet luôn chập chờn.

Từ khi trở lại trường, Xuyết không còn phụ bố mẹ chăn đàn bò. Cô ở hẳn trong ký túc xá, được thầy cô trực tiếp chỉ bảo nên ít nhiều bù đắp quãng thời gian bị “hổng” kiến thức. “Cả năm môn thi em đều làm được, ước được 5-7 điểm, chỉ lo nhất môn tiếng Anh”, Xuyết nói và cho biết năm nay em định nộp hồ sơ vào ngành Sư phạm.

Đinh Thị Xuyết. Ảnh: Trần Hóa.

Đinh Thị Xuyết ôn bài trước giờ thi tiếng Anh. Ảnh: Trần Hóa.

Ông Phạm Hữu Hùng, Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Hà Huy Tập cho biết, trường có tất cả 624 học sinh, trong đó 153 em người dân tộc thiểu số tham gia học trực tuyến – chưa đến 40%. Kông Chro là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai, kinh tế khó khăn, nhiều thôn bản chưa có sóng điện thoại, mạng nên việc giảng dạy online, truyền hình còn nhiều bất cập.

Gia Lai có hơn 13.300 thí sinh, với 37 điểm thi; hơn 2.600 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi.

Trần Hóa

Nguồn bài viết

Bài trướcĐiện một giá sẽ được tính giá nào?
Bài tiếp theoNgày mai, cao tốc Hà Nội