HomeTài chính - Ngân hàngHạn chế vốn ngoại chảy vào "trung gian thanh toán" có đẩy...

Hạn chế vốn ngoại chảy vào “trung gian thanh toán” có đẩy Việt Nam vào thế khó?

Hạn chế vốn ngoại chảy vào “trung gian thanh toán” có đẩy Việt Nam vào thế khó?

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lên tiếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét lại dự thảo về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán bởi quy định này có thể khiến Việt Nam mất đi một lượng ngoại tệ chảy vào một lĩnh vực vốn cần nhiều vốn và công nghệ quốc tế, đồng thời đứng trước nguy cơ bị WTO kiện khi áp dụng hạn chế sở hữu trong lĩnh vực thanh toán điện tử. 

Quy định room ngoại: Nên hay không?

Mong muốn của nhà đầu tư

https://www.thesaigontimes.vn/
Để các trung gian thanh toán có thể phát triển hơn nữa sẽ cần đến nguồn lực từ nước ngoài.

Mong mỏi tham gia sâu hơn vào thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam với ý định đổ thêm nguồn lực tài chính cùng công nghệ vào dịch vụ thanh toán Payoo và các công ty công nghệ tài chính khác, ông Nishikawa Shinichiro, thành viên hội đồng quản trị của VietUnion kiêm giám đốc cao cấp vùng của Tập đoàn NTT Data, cho biết công ty ông có thể gặp trở ngại với dự thảo quy định về sở hữu nước ngoài (giới hạn ở mức 49%) vào lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Theo vị giám đốc này, nguồn vốn ngoại từ NTT Data (Nhật Bản) đầu tư vào Payoo từ năm 2011 không chỉ bao gồm tài chính mà còn là cả công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ các nước có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản và Mỹ, nhằm giúp dịch vụ thanh toán này phát triển trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên để phát triển hơn nữa, sản phẩm này sẽ cần phải được đầu tư nhiều hơn về mặt công nghệ, nhưng nếu vướng trần sở hữu nước ngoài, dự định đầu tư có thể không thể thực hiện được. Và như vậy những công ty như VietUnion và các fintech khác trong lĩnh vực trung quan thanh toán có thể bị kìm hãm phát triển trong thời gian tới.

Trên thị trường có thể có rất nhiều trung gian thanh toán nhưng dù có giới thiệu là đó là sản phẩm của Việt Nam và cung cấp các dịch vụ cho người Việt Nam, thì ai cũng biết đó là sản phẩm được tạo ra từ nguồn vốn nước ngoài như Payoo hay MoMo, ông Diệp nhấn mạnh.

“Chúng tôi, những nhà đầu tư nước ngoài, mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa để thúc đẩy một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, ông Nishikawa chia sẻ tại buổi Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp cho Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP) tổ chức tại Hà Nội hôm 11/12.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Tổng giám đốc M_Service (Ví điện tử MoMo), Việt Nam không thiếu những “anh tài” trong lĩnh vực trung gian thanh toán như Viettel hay VNPT, tuy nhiên để phát triển các ví điện tử hiện rất khó khăn, bởi nếu dễ thì Viettel với ví VNPay đã trở thành trung gian thanh toán số 1 Việt Nam dựa trên tất cả các yếu tố như nguồn lực tài chính, nhân sự…

“Thành công của chúng tôi ngày hôm nay phần lớn là nhờ yếu tố nước ngoài. Với quy định (về sở hữu nước ngoài) như vậy thiệt hại sẽ là các doanh nghiệp chính danh như MoMo”, ông Diệp nói.

Bản thân MoMo năm 2016 đã nhận khoản đầu tư trị giá 28 triệu đô la từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.

Trên thị trường có thể có rất nhiều trung gian thanh toán nhưng dù có giới thiệu là đó là sản phẩm của Việt Nam và cung cấp các dịch vụ cho người Việt Nam, thì ai cũng biết đó là sản phẩm được tạo ra từ nguồn vốn nước ngoài như Payoo hay MoMo, ông Diệp nhấn mạnh.

Vị tổng giám đốc này bởi vậy đã đề nghị NHNN xem xét lại giới hạn sở hữu trong một lĩnh vực mới như trung gian thanh toán còn nhiều khó khăn trong việc phát triển, bởi ngoài các ví điện tử và trung gian thanh toán thì sẽ còn nhiều loại hình về công nghệ tài chính phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, thì cho rằng mặc dù thương mại điện tử đã phát triển nhanh (đạt khoảng 40% theo Temasek) trong thời gian gần đây, tỷ lệ thanh toán ko dùng tiền mặt không phát triển tương đồng, vẫn chỉ đạt khoảng 25% theo thống kê riêng của hội này. Như vậy, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.

Nguy cơ bị kiện

Một số chuyên gia pháp lý đi sâu hơn khi cho rằng việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO hay CPTPP. Quy định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của Dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư thành viên Công ty Luật Baker McKenzie đã dẫn ra trường hợp Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Còn ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, bình luận hiện nay trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của fintech, nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech. Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán.

Nếu chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.

Theo Dự thảo Tờ trình Chính phủ kèm theo Nghị định, cơ quan soạn thảo đưa ra trường hợp hạn chế đầu tư nước ngoài của Indonesia để tham khảo. Tuy nhiên nhiều đại biểu băn khoăn liệu đây có là tiền lệ tốt để Việt Nam tham khảo, vì trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, Indonesia còn tụt hậu so với Việt Nam, trong khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu lọt vào Top 4 ASEAN về phát triển số.

Theo ông Yee Chung Seck, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, thực tế thị trường tại Indonesia cho thấy, mặc dù các hạn chế đối với fintech không quá lớn, đã có một sự chuyển hướng đáng kể dòng vốn đầu tư khỏi quốc gia này. Đây là một trường hợp Việt Nam nên tránh, khi chính phủ đã có cam kết thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 và khuyến khích phát triển kinh tế số.

Bà Virgina Foote, đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), đồng chủ tịch của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này do có ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư vào các cam kết của chính phủ Việt Nam.

 



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img