Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin ĐH Thủy Lợi chia sẻ thông tin trên trong chương trình On Edutalk – tư vấn tuyển sinh đại học 2020.
Đa dạng hình thức tuyển sinh
Năm 2020, Đại học Thủy lợi tuyển sinh 23 ngành và nhóm ngành, trong đó có hai ngành Chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường tuyển sinh tại ba cơ sở với tổng chỉ tiêu là 3.700: Cơ sở chính tại hà Nội (mã trường TLA) tuyển 3.000 chỉ tiêu, cơ sở Phố Hiến (PHA) tuyển 190 chỉ tiêu, phân hiệu miền Nam (mã trường TLS) tuyển 510 chỉ tiêu.
Trường duy trì hai hình thức xét tuyển: Xét tuyển chính dựa vào kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 (từ 70% tổng chỉ tiêu); xét tuyển thẳng (không quá 10% tổng chỉ tiêu vào tất cả các ngành theo thứ tự ưu tiên từ đối tượng 1 đến đối tượng 5).
Năm nay, bên cạnh các hình thức xét tuyển truyền thống, thí sinh vẫn có cơ hội nhập học thông qua hình thức xét tuyển học bạ. Điểm xét tuyển là điểm trung bình ba năm lớp 10, 11, 12 của các môn xét tuyển cộng điểm ưu tiên, trong đó điểm trung bình lớp 12 chỉ tính điểm học kỳ một.
“Đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ, điều kiện được áp dụng đối với tất cả học sinh, chuyên ngành. Phương thức xét tuyển này cũng là hình thức đánh giá sát tiến trình học tập của học sinh trong ba năm THPT”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Nhiều tiềm năng cho ngành Công nghệ thông tin
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, số lượng và chất lượng sinh viên trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin tăng trong nhiều năm qua. Điểm nhận hồ sơ nhóm ngành CNTT là 21 điểm, các ngành và nhóm ngành khác dao động 18 điểm trở lên.
Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và cập nhật chương trình đào tạo, Đại học Thủy lợi còn có chính sách tốt về tuyển dụng, thu hút các giảng viên chất lượng từ nước ngoài về trường công tác, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Năm nay, trường thành lập 4 nhóm nghiên cứu mạnh tập trung nghiên cứu liên ngành, đa ngành để giải quyết các bài toán thực tế, hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành.
Đối với nhóm ngành Công nghệ thông tin, chương trình đào tạo đáp ứng đầu ra về chuẩn kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước. Ngoài ra, sinh viên được học cách ứng dụng những công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối (Blockchain) để giải những bài toán thực tế thông qua các ví dụ điển hình như dự báo lũ, cảnh báo các loại hình thiên tai, phân tích ảnh vệ tinh… Điều này tạo cho sinh viên có năng lực giải các bài toán thực tế về kinh tế, xã hội.
Sinh viên khi theo học nhóm ngành Công nghệ thông tin có cơ hội tham gia thực tập ở các trường đại học tại Nhật Bản là đối tác của Đại học Thủy lợi. Các em có thể lấy kết quả thực tập gửi về trường, làm đồ án tốt nghiệp tại Đại học Thủy lợi, sau khi tốt nghiệp sẽ quay lại Nhật làm việc hoặc làm việc tại các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, sinh viên nhóm ngành Công nghệ thông tin có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, học viên sẽ học trong nước từ sáu tháng đến một năm, sau đó sang trường đối tác ở nước ngoài làm nghiên cứu. Đối với chương trình đào tạo tiến sĩ, trường hướng tới nghiên cứu các công nghệ tiên tiến ứng dụng giải các bài toán thực tế, các nghiên cứu sinh gắn với các Lab hoặc các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra trường hướng tới tới việc đào tạo kết hợp với các đối tác nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc.
Đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế
Hiện Đại học Thủy lợi có hai chương trình hợp tác quốc tế: Chương trình tiên tiến và chương trình Việt – Nhật.
Chương trình tiên tiến gồm hai ngành là Kỹ thuật tài nguyên nước và Kỹ thuật công trình. Hai ngành này hợp tác với hai trường đại học của Mỹ (Đại học Arkansas, Đại học bang Colorado). Trong thời gian học tại Việt nam, sinh viên sẽ được rèn luyện vốn tiếng Anh, học các chương trình học bằng tiếng Anh. Sau hai năm, nếu lực học tốt sẽ được chuyển sang học ở Mỹ và được cấp bằng của hai đại học của Mỹ.
Chương trình Việt – Nhật gồm bốn chương trình đào tạo định hướng làm việc tại thị trường Nhật Bản là Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ khí (kỹ thuật ô tô, cơ điện tử, chế tạo máy), Kỹ thuật điện và Kỹ thuật xây dựng. Trong hai năm đầu tại Việt Nam, sinh viên được rèn luyện tiếng Nhật, văn hóa và kỷ luật lao động, sau đó có thể sang Nhật thực tập hoặc học tiếp. Để tham gia học chương trình Việt – Nhật, sinh viên sau khi trúng tuyển vào trường sẽ được khoa tuyển chọn và xếp lớp riêng để đào tạo.
Đại học Thủy lợi có nhiều đối tác là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước hỗ trợ sinh viên của trường thực tập và nghiên cứu như: Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục phòng chống thiên tai, Tổng cục khí tượng thủy văn đối với các nhóm ngành Tài nguyên nước, Tài nguyên công trình…
Các doanh nghiệp lớn hỗ trợ thực tập như: Samsung, Fsoft, NashTech, Tổng Công Ty Xây Dựng Hàng Không ACC… Tại các doanh nghiệp này, sinh viên học được cách xây dựng, triển khai dự án, kỹ năng lập trình, ngoại ngữ, cũng như kỹ năng và phong cách làm việc.
Xem chi tiết chương trình tư vấn tuyển sinh Đại học Thủy lợi do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Đài Truyền hình VTVcab phối hợp thực hiện tại đây
Thế Đan