Đề xuất không gia hạn ưu đãi giá điện gió

Cơ chế giá ưu đãi cho điện gió sẽ hết vào tháng 10/2021, EVN đề nghị Chính phủ không gia hạn như mong muốn của một số nhà đầu tư.

Đề nghị này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu trong văn bản góp ý cơ chế điện gió vừa gửi Chính phủ. EVN cho rằng kiến nghị này nhằm đảm bảo truyền tải công suất các dự án điện gió, chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu, tăng tính cạnh tranh và giảm giá mua các dự án.

Hiện giá mua điện gió trên bờ theo Quyết định 39/2018 là 8,5 cent một kWh, còn ngoài khơi là 9,8 cent một kWh với các dự án vận hành trước ngày 1/11/2021. Đến nay đã có 4.800 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, trong khi số dự án vào vận hành tới đầu tháng 7 năm nay mới đạt 11 dự án, công suất 429 MW.

Trước đó, khá nhiều nhà đầu tư điện gió “kêu” khó khăn trong triển khai dự án và muốn gia hạn giá FIT ưu đãi thêm 2 năm so với thời hạn tháng 10/2021.

Chủ đầu tư một dự án điện gió tại Trà Vinh chia sẻ, dự án từ lúc triển khai tới khi hoàn thành, vận hành thường 2-3 năm, trong khi thời gian để các dự án được hưởng ưu đãi giá FIT chỉ còn 13 tháng. Chưa kể những tháng đầu năm do dịch bệnh nên việc khẩu khẩu thiết bị, nhập cảnh của chuyên gia gặp nhiều khó khăn, khiến dự án đang triển khai thi công bị ảnh hưởng tiến độ.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ gia hạn giá FIT điện gió trên bờ 8,5 cent một kWh đến 2023 và 9,8 cent mỗi kWh điện gió ngoài khơi tới 2030”, ông kiến nghị.

Liên quan tới cơ chế đấu thầu giá điện gió sau 2021, lãnh đạo EVN cho rằng, có thể thí điểm từ cuối năm 2021, sau thời hạn hết hiệu lực của giá FIT cho điện gió theo quyết định 39/2018. Tiêu chí, cơ chế đấu giá điện gió sẽ rút kinh nghiệm từ triển khai thí điểm đấu thầu giá điện mặt trời dự kiến bắt đầu vào đầu năm 2021.

Cuối tháng 6, gần 7.000 MW điện gió với 91 dự án được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh theo đề xuất của Bộ Công Thương. Tại cuộc họp giữa các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió diễn ra giữa tháng 7, Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cũng bày tỏ quan ngại khi lượng lớn dự án điện gió được bổ sung vào quy hoạch, có thể dẫn tới khả năng quá tải cục bộ lưới truyền tải tại các khu vực dự án.

Vì thế, trong văn bản gửi Chính phủ, EVN đề nghị Thủ tướng xem xét giao chủ đầu tư dự án điện gió thực hiện các dự án lưới điện đồng bộ đấu nối vào lưới quốc gia, nhằm đảm bảo tiến độ vận hành thương mại và khả năng giải tỏa công suất dự án.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trước“Đánh mạnh” hàng giả, gian lận thương mại… kinh doanh qua mạn‌g
Bài tiếp theoHốt bạc nhờ loài côn trùng ‘chế‌t đến đít còn cay’