HomeTài chính - Ngân hàngPhí chuyển tiền cao ảnh hưởng tới tăng trưởng kiều hối trong...

Phí chuyển tiền cao ảnh hưởng tới tăng trưởng kiều hối trong trung hạn

Phí chuyển tiền cao ảnh hưởng tới tăng trưởng kiều hối trong trung hạn

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2019 dự kiến đạt khoảng 16,7 tỉ đô la, theo số liệu của World Bank, trong đó TPHCM tiếp tục là địa phương đón nhận lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, chi phí chuyển tiền cao có thể sẽ hạn chế tăng trưởng kiều hối trong trung hạn.

Dòng kiều hối ổn định

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM, thống kê cho thấy trong 11 tháng, lượng kiều hối chảy về thành phố đã đạt 4,3 tỉ đô la. Trong tháng 12, thành phố sẽ đón nhận thêm 1 tỉ đô la kiều hối, đưa tổng lượng ngoại hối cho cả năm 2019 lên đến 5,3 tỉ đô la, tăng khoảng trên 9% so với năm 2018.

Lượng kiều hối ổn định chảy về địa bàn thành phố này đã đóng góp một lượng vốn lớn cho các hoạt động như sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện cho kinh tế TPHCM phát triển.

Trước đó, theo dữ liệu của World Bank, dòng kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ đạt 551 tỉ đô la vào năm 2019, tăng 4,7% so với năm 2018. Dòng kiều hối, theo World Bank, đã chính thức vượt qua dòng vốn viện trợ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước này.  

Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trong những năm gần đây, dự kiến nhận được 16,7 tỉ đô la trong năm 2019, đứng thứ 9 sau các nước có lượng kiều hối lớn nhất như Ấn Độ (dự kiến nhận được 82,2 tỉ đô la kiều hối), Trung Quốc (70,3 tỉ đô la), Mexico (38,7 tỉ đô la) và Philippines (35,1 tỷ đô la).

https://www.thesaigontimes.vn/
Việt Nam đứng thứ 9 trong các nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Nguồn: WB

Trong năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước nhận nhiều kiều hối nhất trên thế giới, với 15,9 tỉ đô la, chiếm 6,5% GDP của năm.

https://www.thesaigontimes.vn/
Việt Nam nhận 15,9 tỉ đô la kiều hối trong năm 2018. Nguồn: WB

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 11 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, việc tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất đã giúp tỉ giá ổn định ở mức thấp từ đầu năm đến nay, bên cạnh các yếu tố khác như nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân thương mại lũy kế 11 tháng thặng dư 9,1 tỉ đô la, cùng nguồn vốn FDI giải ngân đạt 17,62 tỉ đô la.

World Bank đánh giá dòng kiều hối chảy vào các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng lên 597 tỉ đô la vào năm 2021, tăng trưởng tỷ lệ thuận cùng GDP của các nước này và không tính đến số lượng người di cư sẽ tăng lên, chi phí chuyển tiền giảm và các tiến bộ về công nghệ trong dịch vụ kiều hối.

Dù khá lạc quan vào tăng trưởng của kiều hối, World Bank cũng lưu ý các rủi ro có thể ảnh hưởng đến dòng kiều hối như chính sách chống nhập cư của một số nước lớn như Mỹ, các nước Châu Âu, Nga và Nam Phi, và ngay cả các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư với lập trường chính sách không khuyến khích tuyển dụng lao động nước ngoài và áp thuế hoặc hạn chế đối với dòng tiền chuyển ra nước ngoài. 

Chí phí chuyển tiền cao

Tăng trưởng kiều hối trong trung hạn, theo World Bank, sẽ tiếp tục bị hạn chế bởi chi phí chuyển tiền cao và các quy định tài chính ngặt nghèo.

Cơ sở dữ liệu chuyển tiền toàn cầu của World Bank cho biết chi phí trung bình để gửi 200 đô la đến các nước có thu nhập thấp và trung bình là 6,8% của giá trị khoản tiền gửi, tại thời điểm quý hai năm 2019, chỉ thấp hơn một chút so với các quý trước.

Con số này cao hơn gấp đôi mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là 3% vào năm 2030. Chi phí thấp nhất ở Nam Á, khoảng 5%, trong khi khu vực Châu Phi cận Sahara tiếp tục có chi phí trung bình cao nhất, rơi vào khoảng 9%.

https://www.thesaigontimes.vn/
Chi phí chuyển tiền từ Thái Lan về Việt Nam còn ở mức cao. Nguồn: WB

Tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, chí phí chuyển 200 đô la tới Philippines từ các nước như Singapore, Tây Ban Nha hay Malaysia tại thời điểm quý 4 năm 2017 và 2018 là rẻ nhất, chỉ chiếm khoảng 2-5%. Trong khi đó, phí chuyển tiền từ Thái Lan tới các nước trong khu vực là cao nhất, bao gồm chuyển tiền đến Việt Nam, với chi phí lên tới khoảng hơn 15% trong năm 2017 và giảm xuống còn khoảng 13-14% trong năm 2018.

Các ngân hàng là kênh tốn kém nhất để gửi kiều hối, với chi phí trung bình là 10,3% trong quý 2 năm 2019, trong khi gửi tiền qua bưu điện là thấp nhất, ở mức 5,7%. Ngoài ra, trong một ví dụ rõ ràng về sự không tuân thủ chính sách, chi phí chuyển tiền có xu hướng bao gồm phí bảo hiểm, chi phí cộng thêm, và khi các bưu điện quốc gia có các thỏa thuận hợp tác độc quyền với các công ty chuyển tiền có tầm ảnh hưởng.

Như vậy những chi phí này trung bình chiếm 2,3% chi phí chuyển tiền trên toàn thế giới và cao tới 4,6 % trong trường hợp của Ấn Độ – nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Theo World Bank, việc khuyến khích các bưu điện quốc gia, ngân hàng nhà nước và các công ty viễn thông hợp tác với các công ty chuyển tiền khác có thể xóa bỏ rào cản gia nhập và tăng cạnh tranh trong thị trường chuyển tiền tại nhiều nơi trên thế giới.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img