Chịu khủng hoảng kép do đại dịch và giá dầu yếu, Nga hạ lãi suất về 4,25%, thấp nhất lịch sử hậu Xô Viết và dự tính sẽ giảm tiếp.
Ngân hàng trung ương Nga hôm 24/7 đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 4,25%, sau khi đã cắt giảm một điểm phần trăm hồi tháng 6.
Đây là mức lãi suất thấp nhất thời hậu Xô Viết. Động thái này giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận vốn rẻ hơn khi mà nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong tỏa vì đại dịch và giá dầu giảm.
Hôm thứ ba (21/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố điều chỉnh lại kế hoạch đại tu nền kinh tế và giảm một nửa nghèo đói. Với tên gọi “Dự án Quốc gia”, chương trình được lùi thời hạn đến năm 2030 so với mục tiêu ban đầu là năm 2024. Chính phủ cũng từ bỏ một số mục tiêu, bao gồm cả việc đưa Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, đứng sau cả Canada và Brazil.
Kinh tế Nga vẫn đang bị Covid-19 tấn công khi số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới, với hơn 800.000 ca. Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh trong năm nay đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và thu ngân sách, với việc bán dầu khí chiếm đến một phần ba tổng thu ngân sách.
Do đó, GDP Nga đã giảm 9,6% trong quý II năm nay – mức yếu nhất trong hơn một thập kỷ, theo dữ liệu chính thức. Ngân hàng trung ương Nga dự kiến GDP nước này sẽ giảm 4,5%-5,5% trong năm nay. Thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, ở mức 6,2% trong tháng 6/2020.
“Xu hướng kinh tế quốc tế có hàng loạt điều không thuận lợi”, Dmitry Peskov, Phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết hôm 21/7. “Chắc chắn cần một sự điều chỉnh nhất định trong kế hoạch”, vị này nói thêm.
Ngân hàng trung ương Nga cho rằng, bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào cũng sẽ không ổn định do thu nhập giảm và tâm lý kinh doanh thận trọng. Vì vậy, họ sẽ tiếp tục xem xét cắt giảm thêm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới.
“Sự bất ổn vẫn còn mạnh mẽ trong bản chất của suy thoái kinh tế, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Nga và toàn cầu”, bà Eliraira Nabiullina, Giám đốc ngân hàng trung ương Nga nói và cho rằng, để phục hồi như trước dịch, cần ít nhất một năm rưỡi.
Được công bố vào năm 2018, “Dự án Quốc gia” của Nga đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo từ trên 12% năm ngoái xuống còn 6,6% và tăng tuổi thọ trung bình lên 78 tuổi, từ 73 tuổi vào năm 2018. Giờ đây, ngoài việc lùi thời hạn thêm 6 năm, một số mục tiêu như năng suất lao động và thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số cũng bị thu hẹp.
Các nhà phân tích cho rằng, Chính phủ Nga đã buộc phải chuyển hướng chi tiêu sang các chương trình xã hội ngắn hạn, chẳng hạn như cho vay và hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, để giảm bớt khó khăn kinh tế.
“Chúng ta chắc chắn cần xem xét các sự kiện và hoàn cảnh mới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đại dịch và hiện trạng khủng hoảng kinh tế do nó gây ra, cũng như xu hướng hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu và ở nước ta”, ông Putin nói.
Phiên An (theo WSJ)