HomeGiáo dụcGiáo viên bị nhắc nhở khi đưa bài của Báo Thanh Niên...

Giáo viên bị nhắc nhở khi đưa bài của Báo Thanh Niên lên Facebook? | Giáo dục

Liên quan việc thực hiện chính sách phụ cấp xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo (gọi tắt là xã bãi ngang) mà Báo Thanh Niên ngày 2.12 phản ánh, nhiều giáo viên tại H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết họ rất lấy làm vui vì báo đã “nói hộ” tâm tư giáo viên bấy lâu nay.

Trên Thanh Niên Online, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ băn khoăn về việc áp dụng chính sách chưa nhất quán, cơ sở pháp lý chưa vững chắc trong việc cắt, thu hồi phụ cấp đối với cán bộ, giáo viên đã và đang công tác ở xã bãi ngang. Bạn đọc Nguyễn Huệ (Thừa Thiên – Huế) bình luận: “Đúng rồi, rất hoan nghênh nhà báo! Chúng tôi cũng rất khó khăn khi phải trả lại. Biết rằng nhận không đúng trả lại là điều phải làm nhưng chúng tôi rất muốn được trả lời chính xác!”. Còn bạn đọc Lucky (Thừa Thiên – Huế) viết: “Cảm ơn bài báo đã đang và sẽ giúp giải đáp nỗi niềm, thắc mắc của giáo viên chúng tôi. Được hay không chúng tôi rất muốn nhận được công văn, câu trả lời rõ ràng, đúng thẩm quyền…”.

Đáng chú ý, một số giáo viên phản ánh, không lâu sau khi giáo viên Trường Tiểu học Số 2 Lộc Trì (xã Lộc Trì, H.Phú Lộc) chia sẻ  bài báo Tự tiện cắt, thu hồi phụ cấp giáo viên vùng khó trên Báo Thanh Niên lên trang Facebook cá nhân, họ bị lãnh đạo trường nhắc nhở phải gỡ bài (?). Hiện một số giáo viên đã gỡ bài báo xuống khỏi  Facebook.


Giáo viên bị nhắc nhở khi đưa bài của Báo Thanh Niên lên Facebook? - ảnh 1

Giáo viên Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì (H. Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) trong một lần dọn dẹp vệ sinh sau lũ

Để làm rõ có hay không việc “chỉ đạo” kỳ lạ nói trên, chiều 3.12, PV Thanh Niên đã liên lạc với bà Lương Thị Vĩnh Hồ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 2 Lộc Trì qua điện thoại, nhưng bà Hồ từ chối trả lời với lý do “không biết anh là ai” và yêu cầu “về làm việc trực tiếp” mới trả lời. Khi PV nói rằng sẽ về làm việc trực tiếp với lãnh đạo trường, qua đó để nắm thêm thông tin liên quan đến Nghị định 116 thì vị nữ hiệu trưởng này nói thêm bà còn phải báo, xin phép phòng Giáo dục H.Phú Lộc hoặc xã vì việc cung cấp thông tin báo chí đã được Phòng Giáo dục H.Phú Lộc “quán triệt” như vậy!?

Như Thanh Niên đã thông tin, Lộc Trì là xã bãi ngang theo danh sách phê duyệt của Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức nơi đây vốn được hưởng phụ cấp hằng tháng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP (năm 2010) của Chính phủ (quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn). Thế nhưng cho rằng xã đã đạt chuẩn nông thôn mới ngày 3.5.2019 là hết xã đặc biệt khó khăn theo quy định, nên Phòng Tài chính H.Phú Lộc hướng dẫn các đơn vị liên quan ngừng chi trả phụ cấp sau thời điểm này. Ngoài ra, phòng này cũng yêu cầu thu hồi phụ cấp 3 tháng 5, 6 , 7.2019 mà cán bộ, giáo viên 4 trường học ở Lộc Trì đã nhận sau thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới khiến cán bộ, giáo viên hoang mang, lo lắng.

Điều mà phần lớn lãnh đạo, giáo viên các trường nơi đây băn khoăn là đến giờ chưa có văn bản pháp lý nào gửi về trường hướng dẫn thực hiện việc ngừng chi trả phụ cấp và thu hồi tiền đã chi phụ cấp theo Nghị định 116, ngoài thông báo miệng qua điện thoại từ Phòng Tài chính H.Phú Lộc.

 




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img