Động lực phía sau chính sách chia cổ tức cao
Hồ Lê
(TBKTSG) – Bên cạnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải tạm ngưng việc chia cổ tức cho cổ đông, vẫn có không ít doanh nghiệp tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức cao. Đâu là động lực phía sau cho những quyết định này?
Dù bị thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng Vietjet vẫn thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2019 tới 50%. Ảnh: LÊ ANH |
Cần biết rằng chính sách chia cổ tức phần lớn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua, vẫn có những ngành nghề hưởng lợi như y tế, thực phẩm, công nghệ thông tin… nên kết quả kinh doanh thậm chí không bị suy suyển mà còn đứng trước cơ hội tăng trưởng tốt hơn, do đó nhóm này vẫn quyết định chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá hấp dẫn.
Đơn cử như Công ty cổ phần (CTCP) Thực phẩm Cholimex (CMF) đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức lên đến 50%/mệnh giá trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhờ lợi nhuận trước thuế năm 2019 tăng vọt 60% so năm trước và cao hơn cả vốn pháp định của công ty.
Dù tình hình dịch Covid-19 kéo dài, CMF vẫn đặt ra kế hoạch doanh thu năm 2020 duy trì ở 2.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỉ đồng, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường để đảm bảo tỷ lệ chia cổ tức trên 15% cho giai đoạn tới.
Các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm khác cũng có kế hoạch chia cổ tức khá cao, như Masan Consumer, một thành viên của tập đoàn Masan, cũng đề xuất mức cổ tức bằng tiền mặt lên tới 45%, đồng thời đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2020 tăng trưởng 101-128% so với năm 2019.
CTCP Sữa Việt Nam (VNM) thông qua chính sách chia cổ tức năm 2020 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế, tiếp nối mức chia cổ tức năm 2019 dự kiến tối thiểu là 50%.
Hay như trong ngành công nghệ, FPT báo cáo doanh thu và lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm tăng trưởng tương ứng là 9% và 14% so với cùng kỳ, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 2.078 đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
FPT cũng đã thông qua phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu cho năm 2019. Đối với năm 2020, tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức 20% bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, với triển vọng và rủi ro của nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng hạn chế mở rộng đầu tư, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang chậm, chưa thể phục hồi trở lại mức bình thường như giai đoạn trước đây, nên nhiều doanh nghiệp không thể tận dụng hết nguồn lực sẵn có. Trước tình trạng này, phương án chia cổ tức cao cho cổ đông có thể được lựa chọn.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp đã tích lũy được một lượng lớn lợi nhuận giữ lại qua các năm, trong khi nhu cầu sử dụng vốn trong giai đoạn tới sẽ chậm lại, cũng có thể quyết định chia bớt cho cổ đông thông qua các chính sách chia cổ tức, như là cách hỗ trợ cho cổ đông khi mà không ít tổ chức, cá nhân trong số này thật sự đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiệt hại và ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua.
Đây cũng là cách để thúc đẩy giá cổ phiếu trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường.
Có thể nhắc đến CTCP Bến xe Miền Tây (WCS) chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 516% bằng tiền, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) chia 100%, CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) chia 70%, CTCP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO (INC) chia 50%, CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS) chia 50%, CTCP dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) chia 45%…Không ít doanh nghiệp trong số này vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ chia cổ tức cao cho cổ đông.
Cũng có những doanh nghiệp như CTCP Than Tây Nam Đá Mài – Vinacomin (TND) quyết định chia hết lợi nhuận còn lại trước khi hợp nhất với CTCP Than Cao Sơn Vinacomin (TCS). Theo đó, sau khi chia cổ tức đến 40% trong năm ngoái, năm nay TND tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2019 lên đến 53%.
Hay như CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) cũng dự kiến thực hiện một đợt cổ tức đặc biệt với tỷ lệ lên tới 75% trước khi sáp nhập vào Kido.
Nếu như những doanh nghiệp có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao là do không có nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới hoặc nếu có cũng không đáng kể so với lợi nhuận làm ra, thì những doanh nghiệp chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu xem đây là cách để gia tăng nội lực tài chính nhằm chuẩn bị đối phó với những thách thức phía trước.
Về cơ bản, lợi nhuận giữ lại sử dụng để chia cổ tức là một cấu phần trong nguồn vốn chủ sở hữu, cùng với các khoản mục khác như vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần, các quỹ dự trữ… Nếu doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận giữ lại sẽ mất đi và vốn chủ sở hữu giảm tương ứng.
Còn trong trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu, lợi nhuận giữ lại cũng mất đi nhưng vốn điều lệ sẽ tăng lên một giá trị tương ứng và giúp vốn chủ sở hữu vẫn giữ nguyên.
Ngoài ra, chia cổ tức bằng cổ phiếu một mặt có thể vừa làm hài lòng cổ đông, theo đó nếu cổ đông nào cần tiền mặt thì bán ngay trên sàn, một mặt giúp doanh nghiệp vẫn giữ lại được nguồn vốn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh doanh trong tương lai.
Nhóm ngân hàng là đại diện tiêu biểu của xu hướng này, khi thường xuyên lựa chọn chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu dù lợi nhuận luôn duy trì ở mức khủng, bên cạnh chính sách thưởng cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn.
Như cổ đông HDBank trong năm nay sẽ nhận được 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng, tổng cộng lên tới 65%; ACB chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu; VIB thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, MBBank chia 15%, OCB chia từ 25-27%, TPBank chia 20% và SHB chia 11% cho năm 2019 sau khi đã chia với tỷ lệ 20,9% cho giai đoạn 2017-2018 được thực hiện vào đầu năm nay.
Ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính, đáng chú ý là CTCP Hàng không Vietjet (VJC), dù chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh vừa qua, nhưng đại hội đồng cổ đông diễn ra hôm 27-6 vẫn thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2019 tới 50% bằng cổ phiếu và kỳ vọng có lợi nhuận mảng vận tải hàng không trong năm nay. Tính đến cuối năm 2019, VJC đang có hơn 11.500 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Ngoài ra, có thể kể đến CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (TV2) chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để tăng vốn điều lệ lên hơn 360 tỉ đồng, đồng thời dự kiến mức cổ tức cho năm 2020 không dưới 25%. CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) chia cổ tức 20%, CTCP Clever Group (ADG) chia cổ tức và phát hành cổ phiếu lên đến 115%.