HomeStartup'Startup Việt đang có nhiều trợ lực phát triển'

‘Startup Việt đang có nhiều trợ lực phát triển’

Bà Mandy Nguyễn – Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Startup Vietnam Foundation (SVF) tham gia đào tạo, tư vấn cho cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam hơn 5 năm qua. Hiện bà cũng là cố vấn cho chương trình Startup Việt 2019 do báo VnExpress tổ chức. Theo bà Mandy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh và có nhiều động lực cũng như hỗ trợ phát triển.

Chuyên gia từ SVF chia sẻ với VnExpress về quy mô cộng đồng khởi nghiệp Việt hiện tại và những cơ hội cũng như thách thức trong thời gian tới.

– Theo bà, như thế nào là hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện?

– Hệ sinh thái khởi nghiệp là một cộng đồng có đủ các cấu phần gồm nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp, viện, trường, các cơ quan ban ngành tập trung hỗ trợ startup cũng như các vườn ươm, tổ chức đào tạo.

Một hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ trải qua 4 giai đoạn chính. Ở giai đoạn đầu tiên, các thành tố kể trên chỉ mới ở bước hình thành với quy mô nhỏ, năng lực chưa cao, chiến lược, chính sách phát triển còn mơ hồ. 3 năm qua, Việt Nam đã trải qua giai đoạn này. 

Ở giai đoạn thứ hai, năng lực của startup, nhà đầu tư, vai trò của chính phủ ngày càng rõ nét hơn. Các bên liên quan biết rõ mình là ai, mình cần phải làm gì và chiến lược nào thì hiệu quả đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt. Hiện tại, cộng đồng startup Việt đang ở trong giai đoạn thứ hai khi các startup như đang “nở rộ sau mưa”. 

Theo đó, cộng đồng có nhiều nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài tham gia với tiềm lực mạnh, sẵn sàng hỗ trợ startup ở tất cả giai đoạn phát triển, từ lúc mới nhen nhóm ý tưởng cho đến lúc đã vào đà tăng trưởng quy mô. Động lực chính sách và các cơ quan ban ngành đã hình thành, đóng vai trò điều phối và tiên phong trong chiến lược phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam. Các viện, trường, vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, huấn luyện khởi nghiệp. Số lượng startup lên đến hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong hầu khắp các lĩnh vực. Doanh nghiệp lớn cũng đã thể hiện quan tâm rõ nét đến cộng đồng khởi nghiệp. Ví dụ Vingroup đã có quỹ phát triển đổi mới sáng tạo, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ…

Kế tiếp, ở giai đoạn thứ ba, các thành tố trên sẽ tăng cường khả năng liên kết. Để đến giai đoạn cuối cùng, tôi kỳ vọng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt sẽ giống như một khu rừng “trăm hoa đua nở”, sẽ không cần những tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, không cần chính sách hỗ trợ liên tục. Các startup sẽ có đủ năng lực, ý tưởng và chiến lược để thể hiện tốt không chỉ ở Việt Nam mà còn chinh phục thị trường nước ngoài. Nếu nhanh thì 2-3 năm, cộng đồng khởi nghiệp của chúng ta có thể vào giai đoạn ba.

Bà Mandy Nguyễn tại bootcamp Startup Việt 2019 cuối tháng 9.

Bà Mandy Nguyễn tại bootcamp Startup Việt 2019 cuối tháng 9.

– Bên cạnh những thay đổi tích cực trong thời gian qua thì cộng đồng startup đang còn những hạn chế gì?

– Chúng ta đang chứng kiến một hệ sinh thái rất dồi dào về số lượng doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ và nhà đầu tư. Có rất nhiều hoạt động được triển khai nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhưng hiện tại, mỗi nơi đang làm một kiểu, mỗi đơn vị có hoạt động riêng. Điều này giúp cho các tổ chức hoạt động độc lập và tạo sự sôi động cho cộng đồng. Nhưng đổi lại, tác động từ các hoạt động này sẽ hạn chế. Các doanh nghiệp, tổ chức, viện, trường và Chính phủ cần tăng cường phối hợp, liên kết để tạo ra sự cộng hưởng hiệu quả hơn.

So với 5 năm trước, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đã có nhiều thay đổi. Nếu hỏi rằng tốc độ phát triển đã nhanh hay chưa, thì tôi tin là nhanh, chưa vẫn có thể nhanh hơn nữa. Cộng đồng khởi nghiệp của chúng ta vẫn đang cách rất xa so với các cộng đồng quốc gia khác.

– Năng lực phát triển của các startup tại mỗi địa phương thể hiện ra sao?

– Hiện chúng tôi có hoạt động tại 27 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có 7 địa phương SVF ký kết hợp tác chiến lược với Ủy ban Nhân dân để hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Chúng tôi khuyến khích khởi nghiệp tại các tỉnh thành này và không nhất thiết chúng ta cứ phải tập trung vào TP HCM và Hà Nội. Ví dụ tại Đồng Tháp, đã có nhiều chính sách lẫn chương trình hỗ trợ đào tạo và thúc đẩy khởi nghiệp. Các cơ quan, tổ chức cũng đã bước đầu có sự phối hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ. 

Còn tại Hà Nội hay TP HCM, đây là hai trung tâm kinh tế lớn do vậy mức độ phát triển cũng cao hơn hơn nhiều. Đã có nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu giúp nâng cao năng lực startup và các nhà đầu tư. Trình độ ứng dụng công nghệ của người Việt cũng không thua kém các thị trường khác. 

– Vì sao bà khuyến khích startup phát triển tại địa phương?

– Phần lớn dân số Việt Nam sinh sống tại các khu vực ngoài các trung tâm kinh tế. Để phát triển bền vững, nền kinh tế không thể phụ thuộc vào sự phát triển của các thành phố lớn. Hệ sinh thái khởi nghiệp cũng vậy, không thể cổ vũ sự phát triển rầm rộ tại Hà Nội, TP HCM vì khả năng quá tải ở các thành phố lớn rất cao. Lý do các bạn trẻ đổ xô về thành phố lớn do ở đây có nhiều cơ hội, có nhiều hỗ trợ, môi trường cởi mở khuyến khích các bạn khởi nghiệp. Do đó chúng tôi đang tích cực xây dựng những môi trường khởi nghiệp tương tự với cơ hội rộng mở, hỗ trợ dồi dào tại các tỉnh thành.

Nếu chúng ta xây dựng được một nền kinh tế thực sự đúng hướng đổi mới sáng tạo thì các startup hoàn toàn có thể ngồi ở Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế… bán hàng cho khắp thế giới. Nhờ quyền năng của công nghệ, tôi tin các bạn làm được.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương có một lợi thế phát triển ngành nghề khác nhau. Nếu kết hợp giữa sự phát triển về công nghệ, mô hình khởi nghiệp sáng tạo và ưu thế về ngành nghề và vùng miền, startup sẽ khai thác được những cơ hội phát triển tiềm năng lớn.

– Ví dụ những mô hình nào sẽ phù hợp phát triển tại các tỉnh thành ngoài Hà Nội hay TP HCM?

– Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là ngành có tác động lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Đối với ngành này, tiềm năng phát triển tại khu vực nông thôn dĩ nhiên sẽ lớn hơn tại thành phố. Nếu chúng ta tạo ra thay đổi lớn cho ngành nông nghiệp, bằng công nghệ cao, thì sẽ có tác động lớn nhất đến nền kinh tế cũng như sinh kế của người dân. Những công nghệ như IoT, cảm ứng, big data… đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra có những mô hình sáng tạo đang thể hiện tiềm năng tăng trưởng rất tốt.

Chẳng hạn một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ mãng cầu tại Đồng Tháp. Từ một nông sản dồi dào của địa phương, doanh nghiệp này sản xuất ra các loại thực phẩm có giá trị gia tăng cao như kẹo mãng cầu, mãng cầu vị muối ớt cay… rất ngon và không thua kém doanh nghiệp ngoại về bao bì mẫu mã. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một doanh nghiệp sản xuất tiêu đã đầu tư công nghệ trồng trọt, phối giống… cho ra những loại tiêu ăn liền, tiêu sữa… Họ có những mô hình quà tặng hướng đến du khách nước ngoài mang lại giá trị gia tăng cao. 

Những câu chuyện khởi nghiệp như thế rất gần gũi với chúng ta và truyền cảm hứng. Không cứ gì phải nghĩ đến công nghệ cao siêu, mà hơn hết, cần tập trung vào lợi thế hiện có, khai thác hiệu quả thông qua những mô hình kinh doanh sáng tạo.

– Vậy startup sẽ lợi gì khi hệ sinh thái khởi nghiệp đang có nhiều trợ lực như thế?

– Các bạn đang ở một giai đoạn có rất nhiều cơ hội. Các chuyên gia, nhà đầu tư thế giới đang nhìn vào Việt Nam như một “điểm nóng” về đầu tư. Hầu như những quỹ đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đều có mặt ở đây. Họ đang chờ đợi để đón đầu tiềm năng tăng trưởng mạnh của các startup. Tuy nhiên, trong vai trò là người quan sát, tôi cho rằng khoảng cách giữa cộng đồng khởi nghiệp Việt đang còn khá xa so với các quốc gia khác. Tôi cho rằng startup nên tận dụng những nguồn lực và hỗ trợ hiện có để tăng năng lực và phát huy được lợi thế cũng như tiềm năng ngay tại sân nhà. 

Minh Anh

Bà Mandy Nguyễn – Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Startup Vietnam Foundation (SVF) là một trong những cố vấn tham gia chương trình chọn Startup Việt 2019. SVF cũng là đối tác đào tạo của chương trình bình chọn do VnExpress tổ chức.

Trong đêm gala chung kết Startup Việt 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 2/12 sắp tới tại Gem Center, TP HCM, bà Mandy Nguyễn sẽ tham gia hoạt động speed dating kết nối trực tiếp với startup nhằm tư vấn chiến lược, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ tìm kiếm đầu tư cho các doanh nghiệp.

Độc giả đăng ký tham dự tại đây.

Ngoài ra, các chuyên gia từ VinaCapital, Endeavor Việt Nam, Viisa, Cyber Agent sẽ cùng trao đổi, thảo luận về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, những cơ hội startup có thể và cần nắm bắt. Cùng với đó là những hạn chế của những doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam trên con đường chinh phục sân chơi quốc tế và trở thành “kỳ lân” tỷ đô trên toàn cầu.

Startup Việt đang có nhiều trợ lực phát triển - 1

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img