HomeTài chính - Ngân hàngBàn về khả năng phát hành tiền kỹ thuật số của Việt...

Bàn về khả năng phát hành tiền kỹ thuật số của Việt Nam

Bàn về khả năng phát hành tiền kỹ thuật số của Việt Nam

Trần Hùng Sơn (*)

(TBKTSG) – Nghiên cứu khảo sát về việc phát hành tiền kỹ thuật số của 63 ngân hàng trung ương (NHTƯ), trong đó có Việt Nam, công bố đầu năm 2019 của hai nhà kinh tế Barontini và Holden đến từ BIS, kết quả cho thấy chỉ có hai NHTƯ đến từ các nền kinh tế mới nổi có dự định phát hành trong ngắn hạn, còn trong trung hạn (sáu năm) thì chỉ có một.

Ngày 26-10-2019, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới về lĩnh vực mật mã, mở đường cho nước này ra mắt tiền kỹ thuật số của riêng mình. Với Việt Nam, liệu có khả năng nào cho sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số trong tương lai?

https://www.thesaigontimes.vn/

Tiền kỹ thuật số với chức năng và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2010, NHNN Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của NHTƯ về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

Luật cũng quy định hoạt động của NHNN nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Trong số các chức năng của NHNN Việt Nam thì các vấn đề liên quan đến việc phát hành tiền, thanh toán và hệ thống thanh toán sẽ là trọng tâm của việc thảo luận liên quan đến các mục tiêu của tiền kỹ thuật số. Các vấn đề quản lý chính sách tiền tệ và ổn định tài chính cũng giữ một vai trò quan trọng.

Phát hành tiền

NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền, do đó phải thực hiện chức năng này hiệu quả nhất vì lợi ích của nền kinh tế. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là việc phát hành tiền kỹ thuật số có phục vụ tốt cho mục tiêu này không?

Đối với một xã hội mà việc sử dụng tiền mặt đang giảm xuống nhanh chóng và có những lo ngại về việc các doanh nghiệp không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt (như những gì đang xảy ra tại Thụy Điển) thì NHTƯ buộc phải xem xét phát hành loại tiền mới có thể đáp ứng yêu cầu này. Tính đến năm 2018, tiền trong lưu thông tại Việt Nam là hơn 1,085 triệu tỉ đồng. Việc sử dụng tiền mặt tại Việt Nam đang có khuynh hướng gia tăng, điều này thể hiện qua tỷ lệ tiền trong lưu thông/GDP của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá cao, tăng từ mức 11,8% trong năm 2000 lên mức 19,6% trong năm 2018. Vì vậy mối lo ngại về việc giảm thanh toán bằng tiền mặt một cách nhanh chóng không tồn tại ở Việt Nam hiện nay, do đó đây có thể không phải là yếu tố chính để xem xét việc phát hành tiền kỹ thuật số ở Việt Nam.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, rất khó để có thể đánh giá các chi phí liên quan đến việc thiết lập và vận hành một hệ thống tiền kỹ thuật số, cũng như rất khó để đánh giá các khoản tiết kiệm liên quan đến chi phí phát hành tiền giấy.

Thanh toán và hệ thống thanh toán

Tại Việt Nam, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đi vào hoạt động từ năm 2002. Trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) với nhiều tính năng, tiện ích mới cũng đang được xây dựng, hoàn thiện để có thể đi vào vận hành trong năm 2019(1). Ngoài hệ thống thanh toán liên ngân hàng còn có hệ thống xử lý thanh toán đa tệ tại Vietcombank (VCBMoney) và các hệ thống thanh toán song song như: Vietcombank (hệ thống VCB-Money), VietinBank (hệ thống INCAS), BIDV (hệ thống BIDV Homebanking), Agribank (hệ thống VBA).

Như vậy với một hệ thống thanh toán tương đối hiện đại ở Việt Nam hiện nay, liệu có cần thiết phải có một đồng tiền kỹ thuật số hay không là một vấn đề đặt ra. Một số quốc gia, bao gồm Đan Mạch và Úc, đã quyết định rằng họ không cần phải phát hành tiền kỹ thuật số, vì hệ thống thanh toán ở các quốc gia đó đã đáp ứng được nhu cầu và cho phép người thụ hưởng sử dụng ngay số tiền vừa được chuyển vào tài khoản của mình.

Ngoài ra, một số vấn đề cần phải xem xét liên quan đến hệ thống thanh toán cho tiền kỹ thuật số được phát hành: (1) Có thể tích hợp tiền kỹ thuật số này trong hệ thống thanh toán hiện có, hay phải thiết lập một hệ thống thanh toán mới? (2) Nếu thiết lập một hệ thống thanh toán mới thì loại tiền kỹ thuật số này có cho phép thanh toán được thực hiện thông qua các phương tiện thanh toán khác nhau và kết nối chúng với nhau không? Nói cách khác, người trả tiền và người nhận tiền có thể sử dụng các phương tiện thanh toán khác nhau không? Hệ thống này có thể tăng sự cạnh tranh trong hệ thống thanh toán và dẫn đến sự dư thừa của hệ thống thanh toán.

Điều hành chính sách tiền tệ

Nhìn chung, các công cụ hiện tại đã cho phép NHNN quản lý tối ưu chính sách tiền tệ của mình. Tiền kỹ thuật số có thể đóng vai trò là một công cụ chính sách tiền tệ bổ sung hay không đòi hỏi phải có những thảo luận và nghiên cứu chuyên sâu mà trọng tâm xem xét là có nên phát hành tiền kỹ thuật số hay không cũng như các tác động tiềm tàng của nó đối với việc truyền tải chính sách tiền tệ.

Ổn định hệ thống tài chính

Mặc dù tiền kỹ thuật số có thể góp phần gia tăng sự cạnh tranh trong hệ thống tài chính, nhưng nó cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, như giảm các nguồn tín dụng cho hệ thống ngân hàng. Do vậy, đây cũng là một vấn đề quan trọng cần phải xem xét về các rủi ro và bất lợi mà tiền kỹ thuật số mang lại.

Ngoài mục tiêu chính đã trình bày ở trên thì còn có một số vấn đề khác cần được xem xét liên quan đến tiền kỹ thuật số tại Việt Nam.

Rào cản về công nghệ

Fung và Halaburda (2016) đã đặt ra câu hỏi rằng “liệu NHTƯ có lợi thế so sánh trong việc phát hành một loại tiền kỹ thuật số hay không khi mà đang ở tình trạng thiếu thị trường và chuyên môn kỹ thuật”. Ngược lại, NHTƯ Trung Quốc và NHTƯ châu Âu đã nghiên cứu và thử nghiệm xem liệu công nghệ hiện tại có khả năng và đủ độ tin cậy để được các NHTƯ sử dụng hay không. Nền tảng của một đồng tiền đó là niềm tin của công chúng đối với NHTƯ trong việc đảm bảo giá trị của tiền tệ. Nếu công nghệ sử dụng cho tiền kỹ thuật số không đạt được điều này (ví dụ: các vấn đề về an ninh mạng), thì uy tín của NHTƯ sẽ bị ảnh hưởng.

Hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ cao

Lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt là công nghệ tài chính (FinTech) ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp FinTech, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 382 (ngày 16-3-2017) thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc về lĩnh vực FinTech của NHNN. Tiền kỹ thuật số có thể hỗ trợ cho FinTech, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trong dài hạn do chuyên môn hóa trong các lĩnh vực có năng suất tương đối cao.

Tiền kỹ thuật số và việc thống kê khu vực “chưa được quan sát”

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Thống kê khu vực kinh tế “chưa được quan sát” – hay còn được gọi là khu vực kinh tế ngầm. Mô hình tiền kỹ thuật số có thể hỗ trợ cho việc thống kế này. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương tiện thanh toán hiện đại khác, như hệ thống thanh toán ngay lập tức cho các giao dịch bán lẻ (ACH) dự kiến đi vào vận hành trong năm 2019, cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho việc thống kê này. Chính vì vậy, phát hành tiền kỹ thuật số với việc hỗ trợ thống kê kinh tế có thể chưa phải là trọng tâm xem xét hiện nay.

Kết luận

Mặc dù chưa có NHTƯ nào phát hành và một số NHTƯ đã tuyên bố rằng họ không quan tâm đến việc phát hành tiền kỹ thuật số, nhưng nếu một số quốc gia quyết định phát hành tiền kỹ thuật số thì quyết định của họ có thể tác động đến các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và điều này cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các NHTƯ khác nếu việc phát hành tiền kỹ thuật số tạo ra các kết quả tích cực. Chính vì thế, theo dõi liên tục sự phát triển trong lĩnh vực này sẽ có những hàm ý chính sách quan trọng vì nó sẽ giúp NHNN Việt Nam có những phản ứng phù hợp và cần thiết đối với những thay đổi diễn ra ở các quốc gia khác.

Xin mượn ý của David Andolfatto, Phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ liên bang St. Louis: “Tiền kỹ thuật số rất hứa hẹn nhưng không có nghĩa là nó sẽ trở thành hiện thực” để thay lời kết, và tất nhiên, chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho điều này.

(*) Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, trường Đại học Kinh tế – Luật

(1) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/he-thong-thanh-toan-dien-tu-lien-ngan-hang-xu-ly-1376-trieu-giao-dich-1043751.html



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img