Hai đại gia công nghệ Trung Quốc đang đứng sau nhiều ví điện tử ở Indonesia, Malaysia, Việt Nam…, theo DealStreetAsia.
Dữ liệu do DealStreetAsia tổng hợp cho biết, ít hoạt động trực tiếp ở các quốc gia Đông Nam Á nhưng Alibaba và Tencent đang hậu thuẫn cho ít nhất 11 thương hiệu thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử tại khu vực này. Sáu thị trường chính có sự hiện diện gián tiếp của họ bao gồm: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Các dịch vụ ví điện tử này đã có tổng cộng khoảng 150 triệu người dùng đăng ký và thường là các thương hiệu hàng đầu tại thị trường tương ứng của họ. Riêng trường hợp Tencent có đầu tư vào Gojek nhưng ví điện tử của nền tảng này là Gopay không được tính vào danh sách được Tencent hậu thuẫn do tập đoàn này có ảnh hưởng hạn chế đến chiến lược của Gopay.
Việc đứng sau các nền tảng thanh toán kỹ thuật số mang lại cho Alibaba và Tencent khả năng hưởng lợi từ thị trường thanh toán kỹ thuật số của Đông Nam Á, với tổng giá trị giao dịch đến năm 2025 là 114 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2019, theo dự báo của Google, Temasek và Bain & Co.
Dự báo này có khả năng lạc hậu sau khi Covid-19 làm đình trệ nhiều hoạt động. Các biện pháp cách ly xã hội thúc đẩy những người quen dùng tiền mặt tại Đông Nam Á tìm hiểu sử dụng ví điện tử.
Lấy ví dụ về Grab, đơn vị đã vận hành ví GrabPay tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Công ty cho biết có sự gia tăng đáng kể số lượng người dùng không dùng tiền mặt lần đầu cho GrabFood vào tháng 2 và tháng 3. Nhìn chung, công ty đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc không dùng tiền mặt trên ứng dụng trong vài tuần đầu tiên thực hiện các biện pháp cách ly xã hội và phong tỏa.
Các sáng kiến của chính phủ cũng tạo điều kiện cho ví điện tử phát triển, Là một phần trong sáng kiến e-Tunai Rakyat, chính phủ Malaysia dành 450 triệu ringgit (105 triệu USD) tín dụng miễn phí cho các công dân đủ điều kiện. Họ đã chọn 3 ví điện tử để giải ngân cho chương trình này. Trong tháng 1/2020, gần 3 triệu người Malaysia đã tham gia với khoảng 66 triệu ringgit đã được giải ngân.
Tại Việt Nam, Covid-19 cùng với việc triển khai thực hiện thanh toán không tiền mặt cho các dịch vụ công, đã thúc đẩy giao dịch phi tiền mặt tăng nhanh trong bốn tháng đầu năm 2020, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thanh toán qua Internet phát triển. Số lượng giao dịch tăng 3,2% và giá trị giao dịch tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch qua thanh toán di động tăng 198,8% và giá trị tăng 21,9%. Ở thị trường này, ZaloPay được hỗ trợ bởi Tencent, Momo nhận đầu tư của Warburg Pincus còn Moca được Grab hậu thuẫn, có thể sẽ củng cố vị thế thống lĩnh.
Theo đánh giá của DealStreetAsia, trong khi Alibaba dường như có lợi thế ở Malaysia và Myanmar, Tencent cỏ vẻ đang dẫn đầu tại Việt Nam. Tại Philippines và Thái Lan, cả hai có thế lực tương đối đồng đều.
Trong khi đó ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, Alibaba và Tencent lại chưa đặt dấu chân rõ nét vào mảng thanh toán điện tử. Thị trường ví điện tử tại đây đang được thống trị bởi Gopay của Gojek. Gần đây, dịch vụ này nhận được các khoản đầu tư mới của Facebook và Paypal.
Tuy nhiên, thế trận có thể thay đổi khi ví OVO được Grab hậu thuẫn và ví DANA đứng sau bởi Ant Financial đang tiến hành đàm phán sáp nhập. Nếu sự kết hợp này thành công thì sẽ tạo ra một nền tảng có khả năng vượt qua Gopay để lớn nhất Indonesia.
Phiên An (theo Nikkei Asian Review)