Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với phương thức mới, thí sinh có thể đăng ký tham dự bài kiểm tra tư duy gồm hai phần toán và đọc hiểu, thời lượng 120 phút vào ngày 15/8, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm bài kiểm tra tư duy được sử dụng kết hợp với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT, là Toán – Lý hoặc Toán – Hóa, để xét tuyển.
Bên cạnh đó, trong phương thức xét tuyển tài năng, trường bổ sung xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn. Đây là lần đầu tiên hình thức này được áp dụng nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh ưu tú có một trong các điều kiện sau:
– Thí sinh thuộc hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh) của các trường THPT chuyên;
– Thí sinh được chọn tham dự kỳ thi Thí sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh bậc THPT;
– Thí sinh được chọn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức;
– Thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0 trở lên. Trong đó, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5 trở lên được xét tuyển thằng vào ngành Ngôn ngữ Anh.
Tổng chỉ tiêu của đối tượng tài năng này chiếm 15% tổng số tuyển sinh của trường.
Song song, trường vẫn tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống với tỷ lệ 50 – 60%.
Xét tuyển kết hợp điểm như thế nào?
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh tham gia xét tuyển theo phương thức này sẽ phải tham dự bài kiểm tra tư duy. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 7.000 thí sinh.
Trong phần Toán của bài kiểm tra tư duy, khoảng 2/3 nội dung là thi trắc nghiệm và 1/3 nội dung là tự luận ngắn. Theo đó, phần trắc nghiệm có 25 câu hỏi với các chủ đề sẽ liên kết với nhau ở mức độ hiểu biết, vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ để đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Đây là điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm nay của nhà trường mà học sinh cần lưu ý.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng cho biết thêm, phương thức này mở ra thêm cơ hội cho thí sinh. Ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, thí sinh có thể tham gia thêm bài kiểm tra tư duy để xét tuyển các ngành/chương trình đào tạo có sử dụng hai tổ hợp mới là A19 và A20. Trong đó, tổ hợp A19 gồm Toán – Lý – Bài kiểm tra tư duy và tổ hợp A20 gồm Toán – Hóa – Bài kiểm tra tư duy. Như vậy, bài kiểm tra tư duy là không bắt buộc nếu thí sinh không sử dụng hai tổ hợp A19 và A20 để xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mở cổng nộp hồ sơ trực tuyến từ 15/6, học sinh muốn dự tuyển có thể đăng ký nộp hồ sơ đồng thời tra cứu thông tin trên trang này.
Tại cổng đăng ký, trường sẽ có một bộ hệ thống câu hỏi nhằm đánh giá tư duy, mong muốn của thí sinh, từ đó, giúp nhà trường chuẩn bị những bài phỏng vấn tương ứng với từng em.
Theo thầy Huỳnh Quyết Thắng, bộ tiêu chí đánh giá hồ sơ xét tuyển của nhà trường được xây dựng trên cơ sở khoa học đánh giá đầy đủ với mục tiêu lựa chọn trúng và đúng học sinh có năng lực. Trường sẽ tổ chức cho những em đạt qua vòng xét tuyển hồ sơ tham quan và được phỏng vấn ngay tại trường. Trường cũng mong muốn qua bộ câu hỏi trực tuyến trên cổng thông tin điện tử và bộ hồ sơ xét tuyển của học sinh, sẽ tuyển đúng và trúng những em có đủ năng lực, có nguyện vọng và có hoài bão học những ngành khoa học, kỹ thuật tại trường.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các ngành học, các thông tin tuyển sinh mới nhất của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, độc giả xem thêm tại đây. Chương trình ON EduTalk – Tư vấn tuyển sinh Đại học được phối hợp thực hiện bởi Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Đài truyền hình VTVCab.
Thế Đan