Hương thơm dịu, vị ngọt mát, dòn ngon, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số giống dưa khác… là đánh giá chung của người dân về giống dưa lê đang trồng thử nghiệm ở cánh đồng xóm Suối, thôn Gia Ri, xã Sơn Trung (huyện Sơn Hà).
Chị Hạnh mang giống dưa lê từ Kon Tum về trồng thử nghiệm và mô hình này đã cho hiệu quả rõ rệt.
Xem Video: hướng dẫn trồng dưa lê cho ra nhiều quả
XEM VIDEO CLIP: VrIkMtwMoCs
“Làm chơi, ăn thiệt”
Những ngày thời tiết oi bức, xứ đồng xóm Suối, ở thôn Gia Ri, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà cây trồng úa héo, nhưng những sào dưa lê của chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi) vẫn phát triển tốt. Thành quả, mỗi dây dưa lê cho khoảng 10 trái, sai trĩu quả. Vợ chồng chị tranh thủ buổi sáng sớm thu hoạch, cung cấp cho khách hàng đã liên hệ mua trước đó qua mạng.
Nói về cơ duyên gắn bó với mô hình này, chị Hạnh cho biết, sau nhiều lần đến Măng Đăng, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) thu mua dưa lê về bán, chị nhận thấy cây trồng này được người dân bản địa trồng hiệu quả, trong khi địa hình ở thôn Gia Ri có nhiều nét khá tương đồng. Thế là chị nảy ý tưởng về một cây trồng mới trên chính mảnh đất mà lâu nay mình vẫn hay canh tác.
“Nghĩ là làm, tôi liên hệ với các mối quen biết đem giống về trồng thử nghiệm trên 2 sào đất, tiền giống chừng khoảng 3 triệu thôi. Lứa đầu tiên thất bại do trồng ở chân đất thấp trũng, ướt. Thế nhưng sau khi xê dịch chân đất lên nơi cao ráo hơn, cây cho hiệu quả rõ rệt”, chị Hạnh bộc bạch.
Dưa lê kể từ thời điểm xuống giống cho đến thu hoạch khoảng 50 ngày. Trên phần diện tích này, mỗi ngày chị Hạnh hái bán trên 50 ký. Với giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi ngày thu lãi ít nhất 1 triệu đồng, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng một tháng.
“Cứ tưởng dưa lê lạ, khó tiêu thụ nhưng không ngờ loại trái cây này người dân rất chuộng. Mới trồng thử nghiệm nên chỉ đủ để bán nhỏ lẻ qua mạng, bán dọc đường cho khách tứ phương khi đi ngang xã Sơn Trung, thị trấn Di Lăng. Vậy mà sau khi ăn thử nhiều người còn tới tận ruộng để thu mua”, chị Hạnh bộc bạch.
Cho thu nhập cao
Dưa lê thơm ngon, ngọt mát, dòn, không bở như dưa gan. So với các cây trồng khác, mô hình này đặc biệt dễ trồng, chăm sóc. Thời gian sinh trưởng ngắn. Một năm có thể thu hoạch 3 vụ. Nếu chăm bón tốt, dưa lê sẽ cho năng suất trung bình từ 6- 7 tạ/ sào.
So với cây mì, dưa lê cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.
Theo tính toán, so với các loại cây trồng khác như cây mì, cây dưa hấu thì trồng dưa lê hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Mỗi sào mì, mỗi năm sau khi trừ chi phí chỉ kiếm được chưa đầy 1 triệu đồng thì với dưa lê, bình quân mỗi sào thu về bình quân 20 triệu đồng một vụ, lại làm được 3 vụ. Trong khi đó công chăm sóc, đầu tư rất ít.
“Theo tôi, dưa lê không phù hợp với nơi ẩm thấp. Nguồn nước tưới phải đảm bảo. Chỉ cần dùng nguồn nước ô nhiễm tưới vào, cây sẽ khó phát triển. Đó là những lưu ý cần phải quan tâm. Tuy nhiên, nhìn chung so với cây mì hay dưa hấu, dưa gan thì dưa lê có qui trình chăm sóc dễ dàng hơn, nếu có chân đất phù hợp. Cây cho trái cho đến khi dây dần rụi đi. Thời gian thu hoạch liên tục”, người làm của chị Hạnh cho biết.
Dù mới trồng thử nghiệm, bán nhỏ lẻ nhưng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Dưa lê được người dân trong vùng ưa chuộng.
Gia đình chị Hạnh có nhiều năm trồng rau, mì, mía ở xóm Suối, thôn Gia Ri với diện tích hơn 20 sào đất. Từ bao đời nay, người dân trong vùng xem đây là vùng đất “vàng” bên dòng sông Rin, ai sở hữu được một vài sào cũng gọi là có của ăn, của để. Bởi, với đồng bào vùng cao, so với việc canh tác lúa thì dĩ nhiên trồng các loại rau, hoa màu, dưa hay vài cây lâm nghiệp ngắn ngày vẫn có đồng tiền “to” để dành.
Trước tiềm năng, triển vọng của dưa lê, sắp đến gia đình chị Hạnh sẽ nhân rộng ra khoảng 10 sào đất vốn từng trồng mì để chuyển sang trồng dưa lê bán trong dịp Tết. Chính quyền địa phương đang dự định nhân rộng trong thời gian đến.
“Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm, song giống dưa lê được bà con đánh giá cao về chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế. Xã đang có kế hoạch tổ chức đánh giá khả năng thích ứng của giống dưa này tại địa phương để người dân biết, cùng nhân rộng. Từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn những giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập hằng năm cho bà con trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác”, Phó Chủ tịch xã Sơn Trung Dương Đình Cường cho biết.