HomeThương trườngToàn cầu hoá kinh tế có thể bị co hẹp sau đại...

Toàn cầu hoá kinh tế có thể bị co hẹp sau đại dịch

Chính phủ nhiều nước có thể đánh đổi hiệu quả kinh tế để tự túc một số lĩnh vực sau đại dịch khi “toàn cầu hoá đang đi quá xa”.

Chính phủ các nước, gồm nhiều quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu đang tận dụng cuộc khủng hoảng để dựng lên các rào cản thương mại và đưa những hoạt động sản xuất quay về nước.

Nhật Bản đang trả tiền cho doanh nghiệp để di dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ tự chủ hoàn toàn về nguồn cung y tế quan trọng vào cuối năm nay. Tại Washington, hai Đảng cũng ủng hộ đề xuất thực hiện đạo luật mua hàng Mỹ đối với các chi tiêu của chính phủ trong lĩnh vực y tế.

Từ các hãng sản xuất chất bán dẫn đến đồ bảo hộ y tế, họ đang đánh giá lại mạng lưới sản xuất đa quốc gia được chứng minh rằng khó bền vững.

Peter Anderson, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng cho nhà sản xuất động cơ trụ sở tại Ấn Độ, với 125 nhà máy nói: “Đại dịch đã chỉ rõ sự toàn cầu hoá đã đi quá xa”. Ông nhận định, một thập kỷ bệnh tật, thảm hoạ thiên nhiên và chiến tranh thương mại đã cho thấy các doanh nghiệp đang đặt rủi ro lớn vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông, những sự kiện dẫn đến gián đoạn đó đang đẩy nhanh kế hoạch để thu hẹp việc toàn cầu hoá sản xuất và đưa hoạt động sản xuất gần hơn với nơi tiêu thụ cuối cùng.

Sự tập trung của việc sản xuất phụ tùng ôtô toàn cầu tại khu vực Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến tình trạng thiếu lắp ráp tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Serbia.

Ngành công nghiệp ô tô bị gián đoạn vì chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch. Trên đây là hình ảnh tại một nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Ngành công nghiệp ôtô bị gián đoạn vì chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch. Trên đây là hình ảnh tại một nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Có lúc, Trung Quốc đã cấm hãng Mölnlycke của Thuỵ Điển xuất khẩu áo bảo hộ y tế từ nhà máy ở Trung Quốc sang các nhà máy ở Czech để đóng gói các dụng cụ phẫu thuật bán đi khắp châu Âu. Các cơ sở ở Czech cũng bị cản trở khi Ba Lan quyết định đóng biên giới với nước này khiến một nửa lực lượng lao động bị mắc kẹt.

Pháp cấm hãng Mölnlycke xuất khẩu trang được lưu kho tại Lyon sang Tây Ban Nha và Italy trong khi EU ngừng xuất khẩu từ các công ty của Bỉ vốn được phân phối cho những thành viên không thuộc EU như Switzerland và Na Uy. Khi Mölnlycke không hoàn thành kế hoạch vận chuyển đồ y tế từ trung tâm Bỉ sang Trung Đông, Maroc đã ngừng xuất khẩu mũ y tế sang EU.

“Tôi từng nghĩ rằng châu Âu là thị trường chung đoàn kết. Nhưng giờ nó giống như một miền Tây hoang dã. Một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ phải thay đổi cách thức cung ứng. Chúng tôi đang làm việc với nhiều quốc gia ở Scandinavia để đặt các nhà máy sản xuất tại địa phương”, CEO Mölnlycke nói.

Các nền kinh tế lớn đánh đổi hiệu quả kinh tế để có tự chủ. Hamid Moghadam, CEO của Prologis – một công ty hậu cần cho biết, trong 20 năm qua, chuỗi cung ứng đã thực sự được cấu trúc để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động kinh tế được xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia sẽ đứng trước đòi hỏi quốc gia phải “tự túc” sau đại dịch. Điều này sẽ đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế. Các chính phủ có thể sẽ phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tự chủ với các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Nếu các chính phủ dựng rào cản với một số lĩnh vực, chi phí sẽ gia tăng và các nền kinh tế lớn có thể tăng trưởng chậm hơn khi phải xem xét lại xu thế công nghiệp hoá nổi lên trong vài năm gần đây.

Tháng này, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo các nước thu nhập thấp sẽ chịu tác hại lâu dài khi chuỗi cung ứng, thương mại và dòng đầu tư, hợp tác toàn cầu thay đổi.

Pascal Lamy, Cựu Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chủ tịch của Công ty tư vấn Brunswick Group cho biết: “Chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ phải cân bằng lại. Các chính phủ có thể sẽ ưu tiên về khả năng phục hồi thay vì hiệu quả kinh tế như trước”.

Đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ giảm 1/3 trong năm nay và đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 40%. Các nhà đầu tư quốc tế đã rút kỷ lục 83 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi trong tháng 3, mặc dù tổng đầu tư đã hồi phục nhẹ trong hai tháng sau đó.

Theo Global Trade Alert, nhóm quan sát có trụ sở tại Thuỵ Sỹ, gần 90 chính phủ đã chặn việc xuất khẩu hàng hoá vật tư y tế cho các nhu cầu trong nước, 29 chính phủ làm tương tự với lĩnh vực thực phẩm…

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, toàn cầu hóa đã bị đình trệ sau khi bùng nổ vào những năm 1990 và 2000 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cuộc khủng hoảng tài chính đã chấm dứt sự bành trướng đó và cuộc bầu cử cho Donald Trump, Anh rời Liên minh châu Âu, càng cản trở hội nhập kinh tế.

Nền kinh tế thế giới tăng trưởng tốt trong năm 2019, nhưng thương mại toàn cầu đã giảm, một phần do chính sách thương mại của chính quyền Trump nhắm vào Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 25% so với mức đỉnh năm 2015. Di cư quốc tế có xu hướng giảm dần trong thập niên qua sau khi tăng mạnh từ năm 1990 đến 2010.

Tương tự, dịch cúm Tây Ban Nha và Thế chiến thứ nhất cách đây một thế kỷ đã khiến thương mại và di cư toàn cầu đột ngột ngừng tăng trưởng. Các cuộc chiến tranh, đại dịch năm 1918, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đã cắt đứt các liên kết quốc tế triệt để đến mức phải mất hơn 50 năm để hội nhập kinh tế toàn cầu mới phục hồi vào đầu thế kỷ 20.

Chỉ số thương mại toàn cầu qua các thời kỳ. 

Chỉ số thương mại toàn cầu qua các thời kỳ. 

Trước cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, Mỹ và Trung Quốc đã từng dựng lên các rào cản để bảo vệ công nghệ phát triển trong nước và những lĩnh vực khác nhân danh an ninh quốc gia. Thế hệ thứ năm của công nghệ không dây là 5G đang phân hoá thành các phiên bản đứng đầu bởi Mỹ và Trung Quốc.

Robert Lighthizer, Chủ tịch đàm phán thương mại của Tổng thống Trump, nói với các bộ trưởng thương mại của các nền kinh tế lớn thứ nhất rằng, bài học mà đại dịch đã dạy cho họ là một sự phụ thuộc quá mức vào các nước khác như một nguồn sản phẩm và vật tư y tế giá rẻ tạo ra một lỗ hổng chiến lược.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, cuộc khủng hoảng sẽ thúc đẩy sự đánh giá lại sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, không chỉ đối với dược phẩm mà cả khoáng sản đất hiếm, vật liệu hạt nhân và một loạt những lĩnh vực trung tâm của an ninh Mỹ.

Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ của EU cho biết, câu hỏi được đặt ra bởi cuộc khủng hoảng này là chúng ta có thể đã đi quá xa trong quá trình toàn cầu hóa. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố rằng, khi nói đến vật tư y tế, chúng ta cần một mức độ chủ quyền trong lĩnh vực này, hoặc ít nhất là một trụ cột của sản xuất trong nước.

Ít nhất 8 quốc gia, cùng với EU, năm nay đã tiết lộ những giới hạn mới đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhằm ngăn chặn sự tiếp quản của các ngành công nghiệp chiến lược.

Sau đại dịch, WTO dự báo hai kịch bản. Kịch bản lạc quan là thương mại toàn cầu sẽ quay lại như mức trước khủng hoảng, còn thận trọng hơn là thương mại xuyên biên giới thấp hơn 20% so với mức dự kiến trước đó.

Xu hướng toàn cầu hoá vẫn diễn ra với các nước nhỏ. Tuy nhiên, thu hẹp toàn cầu hoá không phải xảy ra với tất cả lĩnh vực hay các nước. Một liên minh gồm các quốc gia nhỏ hơn, dẫn đầu bởi Singapore và New Zealand, đang thúc đẩy hiệp ước cắt giảm thuế để mở rộng thương mại các sản phẩm y tế. Các nước này cho rằng, hợp tác quốc tế là cách hiệu quả nhất để tăng cường nguồn cung y tế khan hiếm.

Sự bùng nổ của hội họp qua video cũng đang thúc đấy các công việc trực tuyến và dịch vụ từ xa, từ đó, toàn cầu hoá các lĩnh vực trước đây chủ yếu là trong nước. Bằng cách đột ngột chuyển sang xu thế làm việc từ xa, Susand Lund, chuyên gia tại McKinsey cho rằng, không đơn giản là chấm dứt toàn cầu hoá mà xu hướng này sẽ được định hình lại.

Quỳnh Trang (theo WSJ)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img