Học làm báo khó và gai góc nhưng giúp trưởng thành
Nguyễn Thúy An, sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hiện đang thực tập mảng báo trực tuyến. Thúy An cho biết đăng ký
học báo chí với mong muốn được đi nhiều, trải nghiệm nhiều, và được thực hiện phóng sự – thể loại An yêu thích. Gia đình An ban đầu không muốn An theo lĩnh vực báo chí vì cho rằng con gái theo ngành này khổ và cực.
“Sau này học, mình mới nhận ra nghề báo khó và gai góc hơn mình tưởng rất nhiều, phải đối đầu với nguy hiểm, phải thức khuya dậy sớm và luôn luôn phải theo dõi sự kiện để có tin bài kịp lúc. Đôi khi có những sự kiện diễn ra vào giữa khuya, mà mình phải dậy để lấy tin cho kịp dòng
thời sự. Nhưng báo chí chính là ngành học cho mình nhiều cơ hội và trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thay đổi con người mình rất nhiều về cách sống và nhìn nhận mọi thứ”, Thúy An chia sẻ
Khác với Thúy An, Nguyễn Thị Yến Nhi, sinh viên năm 3,
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là mẹ. Khi biết Nhi chọn theo học báo chí, mẹ không chỉ ủng hộ mà còn hỏi nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn thêm cho Nhi xem cần chuẩn bị những gì trước khi bước vào đại học.
Theo Yến Nhi, khó khăn của học báo đó là có quá nhiều thứ phải học. “Hồi năm nhất, mình từng choáng váng vì cái gì cũng cần phải học, từ kỹ năng viết tin, phỏng vấn, giao tiếp xã hội đến kỹ năng quay phim, chụp hình, dựng phim, thiết kế… Cái gì cũng cần phải biết cả. Nhưng bù lại mình thấy rất tự hào về bản thân khi mới năm nhất mà mình đã có vẻ trưởng thành, chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với bạn bè đồng trang lứa”, Yến Nhi bộc bạch.
Không được gia đình ủng hộ khi học báo chí, Nguyễn Thượng Hải, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, không ngừng nỗ lực và cộng tác viết bài để chứng tỏ rằng sự lựa chọn của mình là phù hợp và đúng đắn.
Sinh viên tham dự các buổi triển lãm ảnh báo chí để nâng cao kỹ năng và kiến thức về chụp ảnh
|
Phát triển nhiều kỹ năng, sống rộng lượng, sâu sắc hơn
“Nhờ học báo chí, Nhi được
phát triển thêm về kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng xử lý tình huống. Cả những bài học đạo đức vô cùng quý giá từ những ngày đầu về cách ta nhìn nhận một vấn đề, đánh giá một con người, thái độ của ta trước cuộc đời ra sao. Tất cả những điều đó làm lòng mình rộng mở hẳn, mình thấy mình sống rộng lượng và sâu sắc hơn rất nhiều”. Nhi bày tỏ.
Theo Nhi, ngành báo cho Nhi những kiến thức chuyên ngành, chuyên môn thiết thực, bổ ích và nhiều kỹ năng chuyên ngành (quay, chụp, dựng phim, thiết kế…) không chỉ cần riêng cho người làm báo chí, truyền thông mà cần cho tất cả mọi người trong thời đại
công nghệ số .
Theo học ngành báo chí, điều mà An thu nhận được chính là khả năng tư duy. Thúy An chia sẻ: “Tư duy không phải chỉ là nghĩ đề tài mà còn là duy trong cách tiếp nhận và truyền đạt thông tin. Đồng thời, mình biết cách thẩm định, phân biệt tin giả, và suy nghĩ kĩ trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì. Theo mình nghĩ, những kỹ năng đó đều quan trọng với tất cả mọi người chứ không chỉ là sinh viên báo chí”.
Nhiều sinh viên cho biết sau thời gian được cộng tác cho các cơ quan báo chí thì nhận thấy học làm báo và theo nghề báo không đơn giản chỉ tình yêu dành cho nó mà còn muốn dùng bài viết của mình để giúp đỡ nhiều người khác.