5 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, sản xuất, tiêu thụ nông sản bị đình trệ làm giảm nhu cầu phân bón trên thế giới. Tình trạng nhập khẩu phân bón nói chung và urê nói riêng từ nước ngoài vào thị trường nội địa vẫn có xu hướng gia tăng, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào. Thị trường chính Tây Nam Bộ của Đạm Cà Mau chịu đợt hạn mặn kỷ lục, thiếu nước để sản xuất nông nghiệp, một số tỉnh tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng đã thông báo khẩn cấp vì hạn hán.
Trong bối cảnh thách thức, đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, doanh nghiệp nỗ lực xúc tiến bán hàng, tiết giảm chi phí, tận dụng cơ hội thị trường, từ đó cho kết quả sản xuất kinh doanh tích cực.
Theo đó, sản lượng sản xuất urê quy đổi ước thực hiện 5 tháng đầu năm là 393,73 nghìn tấn, đạt 49% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ 345 nghìn tấn, đạt 50% kế hoạch năm. Công ty tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác với sản lượng hàng tự doanh lũy kế 5 tháng ước đạt hơn 76.000 tấn, góp phần giảm tồn kho khi nguồn cung trong nước dư thừa. Qua đó, Đạm Cà Mau ghi nhận tổng doanh thu 5 tháng là 2.693 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế trên 200 tỷ đồng.
Theo Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, lợi nhuận của Công ty vượt cao so với kế hoạch là do tận dụng nguồn khí ổn định, công ty sản xuất ở công suất 110%, ổn định, an toàn; tiêu thụ urê đều ở mức cao, trong khi đó giá khí bình quân bằng khoảng 80% giá kế hoạch, dẫn đến chi phí vốn trong kỳ thấp. Đạm Cà Mau cũng đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng.
Đạm Cà Mau đã tích cực hỗ trợ nông dân trong kỳ hạn mặn kỷ lục vừa qua. Doanh nghiệp phối hợp cùng nhiều đơn vị khác xây dựng chương trình canh tác lúa “thông minh”, giúp nhiều hộ nông dân canh tác hiệu quả, cho năng suất cao. Đạm Cà Mau cũng tặng 300 bồn chứa nước cho các hộ chịu thiệt hại nặng nề nhất do hạn mặn tại 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ khó khăn với bà con bị thiếu nước sinh hoạt.
Hiện nay, vụ hè thu tại thị trường Tây Nam Bộ đã thực hiện được khoảng 65%, thị trường Campuchia bắt đầu, nhu cầu tiêu thụ phân bón gia tăng, Đạm Cà Mau tiếp tục xây dựng thêm nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến mại, giúp người dân tái đầu tư sau hạn mặn, tăng cường hỗ trợ khách hàng trải nghiệm dùng thử sản phẩm.
Các chương trình khuyến mãi đang triển khai với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng như “Thần tài ra đồng – Nhà nông trúng lớn” từ ngày 1/5-30/6 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 19 tỷ đồng; chương trình tích lũy điểm “Khách hàng thân thiết” kể từ 1/01-31/12 trên hệ thống DMS; xây dựng cửa hàng mẫu…
Cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) trong những tháng đầu năm 2020 cũng ghi nhận giao dịch khởi sắc, tăng từ mức giá khoảng 6.000 đồng một cổ phiếu hồi đầu năm lên 8.800 đồng mỗi cổ phiếu (ngày 10/6), tăng khoảng 47%. Trong thời gian tới, DCM được nhận định có nhiều yếu tố hỗ trợ khi giá dầu ở mức thấp là động lực giảm đáng kể chi phí nguyên liệu, giúp cải thiện biên lợi nhuận.
(Nguồn: Đạm Cà Mau)