Sớm xác định “Đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công“, cách đây hơn 5 năm, anh Lê Văn Nguyên (SN 1993) trú tại xóm 4, Minh Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã quyết chí lập nghiệp bằng nghề nuôi thỏ New Zealand. Đến nay, niềm đam mê đó đã đem đến cho anh thành công bất ngờ.
Anh Lê Văn Nguyên (SN 1993) trú tại xóm 4, Minh Thành, Yên Thành (Nghệ An) bên trang trại nuôi 1.000 con thỏ New Zealand của mình. Ảnh: Cảnh Thắng
Xem Video: Lợi ích việc nuôi thỏ trong chuồng khép kín
XEM VIDEO CLIP: eVJ9UvRXReA
Học lỏm nghề nuôi thỏ nhờ đi làm thuê
sinh ra trong một gia đình nông dân, vốn bản tính của Lê Văn Nguyên là người hay tìm tòi, đam mê học hỏi.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lê Văn Nguyên (SN 1993) trú tại xóm 4, Minh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã làm nhiều công việc khác nhau, nhưng với đồng lương bấp bênh, thu nhập không ổn định nên đã tìm tự nhủ phải tự mình lập nghiệp.
Năm 2015, anh Nguyên quyết định rời quê hương ra thủ đô Hà Nội xin vào làm thuê tại trang trại nuôi thỏ New Zealand. Việc xin làm thuê của Nguyên là có chủ đích, thứ nhất là có thu nhập, thứ 2 là học nghề chăn nuôi thỏ.
Sau một thời gian thành thạo nghề, với mong muốn về quê lập nghiệp, ước vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, 2016, với đồng lương tiết kiệm được cùng với vay mượn của người thân anh đã mua về 100 cặp thỏ giống đưa về và chính thức lập nghiệp bằng nghề nuôi thỏ.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi thỏ, kinh nghiệm nuôi thỏ, chăn nuôi mát tay, đến nay đàn thỏ New Zealand của anh Nguyên phát triển rất tốt. Hiện tại trang trại của anh đã có 500 con thỏ mẹ sinh sản, tổng đàn thỏ các loại trong trang trại luôn ở trên 1.000 con.
Thỏ New Zealand được cho anh Nguyên cho ăn cỏ đúng bữa theo quy trình kỹ thuật. Ngoài cỏ là thức ăn xanh, người nuôi cần cho thỏ ăn thêm cám. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với PV, anh Lê Văn Nguyên cho biết: “Tỷ lệ giao phối ở thỏ là 1: 12,5 nghĩa là 1 con đực đảm đương giao phối được 12,5 con cái. Với 500 con cái thì chỉ cần đến 40 con thỏ đực, mỗi con được nhốt riêng một chuồng. Thỏ nuôi sau 4 tháng là bắt đầu sinh sản. Khi quan sát bộ phận của con cái thấy màu đỏ hồng, bắt sang chuồng con đực là giao phối ngay. Để tỷ lệ giao phối thành công, tôi tiếp tục đưa con cái này sang chuồng con đực kế bên để tiếp tục giao phối một lần nữa…”
Cũng theo anh Nguyên, thỏ sau khi đã giao phối xong, đưa về chuồng cũ. Sau giai đoạn “thai nghén”, khoảng 32 ngày là thỏ mẹ đẻ. Mỗi lần thỏ mẹ đẻ dao động 9 đến 10 con thỏ non. Người nuôi cần tuyển lại khoảng 6 đến 7 con thỏ non khỏe mạnh cho ở chung với con mẹ. Thỏ non nuôi sau 35 ngày là có thể tách mẹ. Và sau 3 tháng nuôi có thể xuất chuồng bán thỏ thịt. Lúc này, trọng lượng mỗi con thỏ trung bình 2,2kg.
Trở thành ông chủ có thu nhập khủng
“Thỏ là loại vật nhạy cảm, thường xuất hiện 2 loại bệnh chủ yếu là nấm và ghẻ. Do đó giống thỏ New Zealand phải nuôi trong chuồng cách đất khoảng 50cm. Hơn nữa trong chuồng nuôi thỏ phải có quạt thông khí, làm sao để chuồng luôn đạt nhiệt độ từ 28 đến 30 độ C là thích hợp nhất. Thỏ New Zealand sau khi sinh ra được 5 ngày là cho uống thuốc để phòng bệnh Ecoli, 15 ngày cho uống thuốc để phòng cầu trùng, 30 ngày cho uống thuốc để phòng nấm…”, anh Nguyên chia sẻ thêm.
Nhiều hộ nông dân trong vùng đến tham quan học hỏi mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Lê Văn Nguyên. Ảnh: Cảnh Thắng
Được biết, tuy vào nhu cầu của thị trường, trang trại thỏ của anh Nguyên một tháng bình quân xuất chuồng 5 tạ thỏ thịt thương phẩm. Thỏ thịt xuất chuồng bán với giá giao động từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng/kg…
Ngoài ra anh Nguyên cũng cung cấp thỏ giống cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Nghệ An với giá từ 150.000 ngàn/đôi thỏ con khoảng. Anh Nguyên còn cung cấp thỏ giống và bao tiêu thỏ thịt cho 7 trại vệ tinh, với mỗi trại có 100 con sinh sản. Bình quân mỗi tháng anh bao tiêu 1 tấn thịt thỏ thương phẩm cho các trại vệ tinh.
Năm 2019, tổng doanh thu từ chăn nuôi thỏ New Zealand của gia đình anh Nguyên là 1,6 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 560 triệu đồng…
Đàn thỏ giống của trang trại anh Lê Văn Nguyên lớn lên từng ngày chờ xuất chuồng. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi về mô hình nuôi thỏ New Zealand, ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: “Nuôi thỏ không khó, khi nắm bắt tốt kỹ thuật nuôi thỏ. Thịt thỏ ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, giá thành hợp lý. Tại Nghệ An thỏ nuôi chưa thể trở thành hàng hóa được. Vì vậy cần tuyên truyền để người dân sử dụng thịt thỏ nhiều hơn, giúp cho đầu ra sản phẩm được tốt hơn…”
Chia sẻ về mô hình chăn nuôi thỏ của anh Lê Văn Nguyên, ông Nguyễn Sỹ Chương – Chủ tịch Hội nông dân huyện Yên Thành cho biết, đây là mô hình chăn nuôi thỏ duy nhất ở huyện Yên Thành, tiêu biểu cho phong trào thanh niên khởi nghiệp của địa phương. Đây cũng là nơi học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm nuôi thỏ cho các hộ có nhu cầu trên địa bàn.