5G sẽ bùng nổ tại các nước đang phát triển

Dù vẫn đang trong quá trình khai thác 4G, các thị trường mới nổi được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng 5G cao hơn cả một số nước phát triển.

Theo hãng nghiên cứu ABI Research, trước đây, các nước đang phát triển luôn đi sau các quốc gia phát triển trong việc triển khai các mạng di động thế hệ mới như 3G, 4G. Do đó, nhiều người tin điều này sẽ tiếp tục diễn ra với công nghệ 5G.

Tuy nhiên, khảo sát của ABI Research cho thấy, thị trường mới nổi sẽ bùng nổ về 5G với tốc độ tăng trưởng hàng năm 26% trong giai đoạn 2020 – 2023, tức là không hề chậm chân. Trong một số trường hợp, những thị trường này còn nhanh hơn các nước phát triển. Nguyên nhân một phần do thiết bị 5G, như smartphone, đang ngày càng phổ biến với giá rẻ hơn, cũng như xu hướng chuyển đổi số và chính sách thúc đẩy ở từng quốc gia.

“Các quốc gia mới nổi, phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc sản xuất, cũng sẽ được hưởng lợi từ khả năng chuyển đổi số song song với triển khai mạng 5G”, Miguel Castaneda, chuyên phân tích tại ABI Research, đánh giá.

Bên cạnh đó, theo Castaneda, Covid-19 bùng phát cũng khiến các quốc gia nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của một thế giới kết nối, đẩy nhanh tiến độ triển khai 5G.

Robot với kết nối 5G hoạt động trong bệnh viện. Ảnh: AIS.

Robot với kết nối 5G hoạt động trong bệnh viện. Ảnh: AIS.

Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu về 5G, với nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G lớn nhất thế giới là Huawei. Khi đại dịch diễn ra, Huawei đã triển khai dự án chống dịch thông minh bằng 5G ở Vũ Hán và nhiều bệnh viện lớn tại nước này. Nhờ băng thông cao, độ trễ thấp và nền tảng dữ liệu lớn, một loạt dịch vụ y tế đã được kích hoạt, như phát sóng trực tiếp trên mạng 5G, đo thân nhiệt và khử trùng thông qua robot, chẩn đoán và khám bệnh từ xa qua kết nối 5G như quét CT, kiểm tra siêu vi B và chụp phim X-quang…

Dự án hỗ trợ cho 1.850 bác sĩ, 3.400 nhân viên điều dưỡng và 8.350 bệnh nhân tại Trung Quốc. Trong khi đó, mạng 5G cũng trở thành yếu tố quan trọng để triển khai giáo dục và hội nghị từ xa ở nước này.

“Covid-19 khiến nhu cầu khám chữa bệnh từ xa và sử dụng robot tăng cao, thúc đẩy thương mại hóa 5G”, hãng phân tích Asia Plus Securities đánh giá.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan trở thành nước đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G thương mại hồi tháng 3. Trước đó, giới phân tích nhận định Thái Lan sẽ trì hoãn đầu tư cho kết nối di động thế hệ mới bởi họ đã chi hàng tỷ USD vào công nghệ 4G từ năm 2015. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát làm đảo ngược những dự đoán trên. Hai nhà mạng Advanced Info Service (AIS) và True Corp ở nước này đã gấp rút triển khai 5G tại các bệnh viện để hỗ trợ đội ngũ y tế chiến đấu với Covid-19.

Theo Nikkei Asia Review, ngoài Thái Lan, các nước Đông Nam Á khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm 5G. Nhiều khả năng, quốc gia tiếp theo thương mại hóa 5G là Việt Nam trong năm nay.

“5G là công nghệ quan trọng thúc đẩy các sáng kiến quốc gia, như Sáng kiến Thành phố Thông minh 4.0 của Thái Lan, Sứ mệnh Thành phố Thông minh của Ấn Độ hay Tầm nhìn Indonesia 2045”, Castaneda nói.

Nguồn bài viết

Bài trướcXây cầu hơn 2.200 tỷ nối TP.HCM với Đồng Nai
Bài tiếp theoByteDance âm thầm thu hút người dùng cho ứng dụng nghe nhạc