Mỗi ứng dụng trong danh sách này có thể tiêu tốn hơn 30% lượng pin trên điện thoại, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng của người dùng.
Mạng xã hội
Các ứng dụng mạng xã hội chiếm Top đầu danh sách tiêu thụ pin trên smartphone. Ảnh: Lưu Quý. |
Facebook và Instagram đứng Top đầu ứng dụng gây hao pin điện thoại. Ngoài việc được sử dụng nhiều dẫn đến tốn pin, chúng còn “ngốn” pin bằng nhiều cách, như chạy ngầm, liên tục làm mới ngay cả khi không mở ứng dụng, sử dụng GPS để xác định vị trí, “nhảy” thông báo liên tục, video tự động chạy…
Nhiều chuyên gia khuyên người dùng mạng xã hội trên smartphone nên tắt tính năng định vị, hoặc chỉ dùng khi cần thiết; tắt chế độ video tự động chạy; vô hiệu hóa việc ứng dựng tự động làm mới, để vừa giữ pin được lâu, vừa đảm bảo quyền riêng tư.
Nhắn tin miễn phí
Nhiều người cài hàng chục ứng dụng nhắn tin trên smartphone của mình. Ảnh: Lưu Quý. |
Các ứng dụng trò chuyện, như Messenger, WhatsApp, Viber… có thể giúp con người giữ liên lạc với nhau mọi lúc mọi nơi, nhưng để làm được điều đó, chúng buộc phải chạy ngầm, đồng thời đẩy thông báo ngay lập tức mỗi khi có tin nhắn mới. Điều đó đã khiến chúng trở thành nguyên nhân gây hao pin trên smartphone. Để tiết kiệm pin mà không gây ảnh hưởng đến liên lạc, người dùng nên cập nhật các ứng dụng nhắn tin lên phiên bản cao nhất.
Bản đồ
Sự tiện lợi của các ứng dụng bản đồ cũng đi kèm với sự tiêu hao năng lượng. Ảnh: Lưu Quý |
Ngoài việc phải sử dụng định vị liên tục, các ứng dụng bản đồ, như Google Maps, Apple Maps còn phải sử dụng một lượng lớn tài nguyên của smartphone để tái hiện hình ảnh các địa điểm và khu vực người dùng cần tra cứu. Các ứng dụng này cũng mặc định yêu cầu quyền được truy cập GPS và liên tục chạy ngầm, gây ngốn pin.
Để khắc phục, người dùng nên thiết lập lại cài đặt, chẳng hạn tắt tính năng tự động cập nhật vị trí và chạy ngầm, chỉ sử dụng GPS khi người dùng mở ứng dụng.
Game
Nhiều game mobile yêu cầu cấu hình mạnh, kết nối dữ liệu liên tục gây “ngốn” pin. Ảnh: Lưu Quý. |
Các game di động ngày càng có đồ hoạ đẹp mắt, kéo theo yêu cầu vi xử lý phải hoạt động mạnh để có thể đáp ứng được yêu cầu đó, dẫn đến tình trạng pin sụt nhanh. Mặc dù các dòng vi xử lý đời mới có được tối ưu cho nhu cầu này, nhưng cũng không thể đáp ứng được sự nâng cấp liên tục mà các nhà sản xuất game đưa ra. Những trò chơi, như PUBG Mobile, Fortnite, Pokemon GO… không chỉ nặng về đồ hoạ, mà còn yêu cầu kết nối Internet tốc độ cao và khiến người chơi tốn hàng giờ đồng hồ mỗi lần chơi. Nhiều người thậm chí còn có thói quen vừa sạc pin vừa chơi game, càng khiến tình trạng pin điện thoại ngày càng kém đi.
Lưu Quý