Khoa Quốc Tế – Trường ĐH Quốc Gia Hà Nội tặng 30 suất học bổng trị giá 6 tỷ đồng cho sinh viên trúng tuyển thẳng năm học 2020-2021.
Tối 7/6, Khoa Quốc Tế – Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức livestream trên Fanpage VnExpress, chủ đề “Đại học không chỉ là nơi để học” với mong muốn tư vấn, giải đáp thắc mắc về học bổng, môi trường đại học, cơ hội nghề nghiệp cho phụ huynh cũng như học sinh, sinh viên.
Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ Mai Anh – Trưởng phòng Đào tạo, Khoa Quốc tế – ĐH Quốc Gia Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiển – Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Khoa quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyết Lan – Sinh viên chương trình cử nhân Khoa học ngành Quản lý, liên kết với ĐH Keuka, Mỹ.
Chương trình đào tạo
Mở đầu chương trình, Tiến sĩ Mai Anh chia sẻ chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế. Từ 2002, Khoa Quốc tế là đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện Khoa có 10 chương trình đào tạo đại học, 5 chương trình đào tạo sau đại học. Các chương trình chủ yếu về kinh tế, quản lý, tài chính, kế toán, du lịch, kỹ thuật, phân tích dữ liệu kinh doanh.
Từ 2010, Khoa đẩy mạnh phát triển chất lượng đào tạo chương trình nhằm cung cấp cho người học kỹ năng, năng lực làm việc toàn cầu hóa sau khi ra trường.
Ngoài ra, Khoa có những chương trình chính quy do ĐH Quốc gia cấp bằng, chương trình liên kết đào tạo do ĐH Quốc gia cấp bằng, chương trình liên kết quốc tế do trường đối tác nước ngoài cấp bằng. Đặc biệt, năm nay khoa có hai chương trình mà khi ra trường các em sẽ nhận hai bằng cùng lúc do ĐH Quốc gia cấp và đại học nước ngoài cấp bằng.
Phương thức tuyển sinh
Tiến sĩ Mai Anh chia sẻ những điểm mới về chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh, điểm chuẩn năm 2020 của Khoa Quốc tế.
Về phương thức tuyển sinh, do đặc thù dịch bệnh, hoạt động tuyển sinh tập trung vào phương thức chính là căn cứ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trường tăng số lượng chỉ tiêu tuyển thẳng, và căn cứ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, xét tuyển trên chứng chỉ thi quốc tế A level, SAT…
Những phương thức tuyển sinh này phù hợp với bối cảnh Covid-19 – giúp các bạn có ý định du học mà do tình hình dịch bệnh phức tạp nên có thể sẽ sử dụng những chứng chỉ quốc tế trên để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, với mục tiêu thu hút thêm thí sinh, đây là năm đầu tiên trường đưa vào các tổ hợp xét tuyển môn tiếng Anh nhân đôi, đi từ A00, A01, D01… kết hợp giữa Toán, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên.
Về mức điểm đầu vào của khoa Quốc tế, căn cứ những năm trước, điểm trúng tuyển trải từ 17 đến 20,5 điểm, năm nay thầy Mai Anh nhận định, mức điểm có thể nhỉnh hơn.
Đại học không chỉ là nơi để học
Mở đầu phiên thảo luận “Đại học không chỉ là nơi để học”, Nguyễn Thị Tuyết Lan – sinh viên năm ba chương trình cử nhân Khoa học ngành Quản lý, liên kết với ĐH Keuka, Mỹ chia sẻ lý do từ bỏ học bổng du học Mỹ để chọn Khoa Quốc tế.
Tuyết Lan cho rằng, học ở đâu không quan trọng, quan trọng là học gì. Sau khi tìm hiểu, nữ sinh đăng ký trở thành cử nhân chương trình liên kết với ĐH Keuka của Mỹ vì thấy sẽ được học giáo dục khai phóng – hình thức phổ biến của Mỹ. Với mô hình giáo dục khai phóng, sinh viên ngoài học chuyên môn sẽ được cung cấp kỹ năng mềm để có thể thích ứng với mọi môi trường, rèn luyện đạo đức xây dựng người sinh viên hoàn thành tốt vai trò của một công dân vì đất nước, cộng đồng.
Chia sẻ thêm về mô hình giáo dục khai phóng cũng như tầm nhìn của khoa Quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiển cho biết: “Khoa chúng tôi hướng đến phát triển sinh viên toàn diện, có sự chung tay của các đối tác khoa quốc tế đến từ Pháp, Anh, Mỹ. Chúng tôi luôn bám theo tiêu chí tạo môi trường giáo dục đầy đủ nhất để bạn trẻ có thể phát huy tối đa năng lực, phù hợp triết lý khai phóng của Mỹ”.
Về Tuyết Lan, thầy Hiển cho biết, sự thay đổi của Tuyết Lan đến giờ có thể nói là “Thợ săn học bổng”. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Lan tích cực tham gia hoạt động xã hội như làm thủ lĩnh câu lạc bộ hỗ trợ học tập, tham gia nhiều kỳ thi về chuyên ngành, nhận học bổng của bộ ngoại giao Mỹ.
“Chúng tôi tin rằng, những sinh viên có thái độ học tập tích cực, mong muốn được chuyển hóa, thay đổi sẽ tạo ra cảm hứng cho các bạn cũng như những thầy cô để tiếp tục tạo ra môi trường bổ ích tòa diện cho sinh viên”, thầy Hiển nhận định.
Chia sẻ rõ hơn về cách nhà trường tạo môi trường học toàn diện cho sinh viên, thầy Mai Anh cho biết, trường thực hiện các chương trình rà soát ba năm một lần để phù hợp yêu cầu mới của xã hội; liên tục khả sát ý kiến người học về các mặt dịch vụ của khoa; đào tạo sinh viên khi ra trường có thể làm việc trong môi trường toàn cầu, bằng cách hội tụ đủ 5 yếu tố: kiến thức – tự tin, chuyên nghiệp trong tác phong – ngoại ngữ – khả năng tư duy.
Ngoài các hoạt động trên, năm 2019, trường còn tổ chức ngày hội việc làm với sự tham gia của 32 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, hơn 400 cơ hội việc làm cho sinh viên.
Chương trình tiếng Anh dự bị cho sinh viên năm nhất
Với những thí sinh vì nhiều lý do chưa có nền tảng tiếng Anh tốt, trường có chương trình đào tạo tiếng Anh dự bị dựa trên 5 cấp độ, giúp các em tăng khả năng tiếng Anh trong thời gian nhất định. Mỗi lớp học tối đa 15 bạn, một cô giáo chủ nhiệm trực tiếp theo dõi học tập.
30 suất học bổng tuyển thẳng trị giá 6 tỷ đồng
Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiển cho biết, đây là năm đầu tiên trường có quyết định đầu tư khoản ngân sách lớn – tặng 30 suất học bổng cho những bạn trúng tuyển thẳng, dựa trên tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường ĐH Quốc gia Hà Nội quy định, bên cạnh những yêu cầu như IELTS từ 6,5, kết quả thi SAT, ACT, A lelvel…
“Đúng tinh thần đại học không chỉ là nơi để học, mục tiêu trao học bổng của là chọn những người phù hợp nhất với tiêu chí của Khoa, như bài luận thể hiện rõ định hướng phát triển, cam kết với Khoa nếu được nhận học bổng, thành tích tốt để có thể lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng sinh viên trong, ngoài khoa”, thầy Hiển nói.
Ngoài 30 suất học bổng toàn phần, trường có nhiều món quà khác dành cho tân sinh viên, như dự kiến tặng 15 máy tính cho sinh viên trúng tuyển thuộc nhóm ngành công nghệ. Trường cũng đang trao đổi với đối tác để có thể công bố thêm học bổng, chính sách hỗ trợ học tập cho sinh viên.
Về bí quyết giành học bổng, Tuyết Lan cho hay, bạn cần có thái độ nghiêm túc, tích cực tham gia hoạt động xã hội, làm sao để xây dựng được câu chuyện của riêng mình – đó là nghiêm túc với những gì mình làm, có thái độ đúng, luôn sẵn sàng mở lòng mình ra học tập những cái mới…
Điểm nổi bật của Khoa Quốc tế
Theo thầy Mai Anh, khoa Quốc tế có nhiều sự khác biệt trong quan điểm giáo dục, chất lượng đào tạo, cơ sở học liệu, chương trình học đáp ứng ngành nghề mới cho tương lai…
Quan điểm giáo dục: Trường chú trọng chương trình, chất lượng đào tạo để sinh viên có kiến thức vững vàng. Bên cạnh đó là kiến thức thực tế (kết nối doanh nghiệp) để sinh viên ra trường có thể ứng dụng trực tiếp vào công việc.
Đào tạo bằng tiếng Anh: Đội ngũ giảng viên Việt Nam của trường đều được đào tạo ở nước ngoài với năng lực giảng dạy tốt. Ngoài ra, khoa thường xuyên mời các giảng viên, nhà khoa học nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu tại khoa, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với các thầy cô nhiều kinh nghiệm.
Cơ sở học liệu: Thư viện khoa không lớn nhưng đảm bảo tất cả nội dung sách liên quan đến ngành của các em đều đầy đủ, cập nhật.
Từ góc độ của sinh viên, Tuyết Lan tự thấy may mắn trong thời gian học tại trường. Nữ sinh có nhiều cơ hội giao lưu học hỏi các bạn trong và ngoài nước và nhận ra một điểm trường giống nhiều trường đại học lớn trên thế giới, đó là tinh thần vì người khác.
“Điều này em cảm nhận được từ thầy cô, các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên trong học tập, thậm chí tìm việc làm. Hay khi làm dự án sinh viên, nhiều bạn ở trường khác cho rằng dự án sinh viên chỉ để làm đẹp CV, tạo hỉnh ảnh cá nhân, nhưng trong suy nghĩ của chúng em thì luôn là làm vì những bạn sinh viên khác sẽ nhận được gì khi xem dự án hơn là những gì chúng em nhận được”, Tuyết Anh cho hay.
Xem chi tiết livestream “Đại học không chỉ là nơi để học” tại đây.
Thế Đan