Người hâm mộ bóng đá Việt Nam lúc này đang đặt câu hỏi: tuyên bố của ông Adachi liệu có phải là suy nghĩ thực tế hay chỉ là những điểu viển vông, những câu “chém gió” trong ngày nhậm chức của ông?
Bóng đá Việt Nam đã tiệm cận bóng đá Nhật Bản?
Cách đây 2 năm, đội tuyển Olympic Việt Nam từng vượt qua Olympic Nhật Bản với tỷ số 1-0 trong khuôn khổ ASIAD 2018. Đó là lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam đánh bại được một đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc.
Thế nhưng khách quan mà nói, tỷ số đó chưa phản ánh thực chất hai nền bóng đá. Trong khi Olympic Việt Nam gần như đã sử dụng lực lượng tinh nhuệ nhất của cả nền bóng đá thì Olympic Nhật Bản thực tế chỉ là đội U21 Nhật Bản để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 mà thôi.
Một năm sau, đội tuyển Việt Nam đã để thua sát nút 0-1 trước đội tuyển Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019. Thế nhưng đó cũng không phải là đội hình mạnh nhất của đội bóng xứ sở mặt trời mọc từng hạ gục đội tuyển Colombia ở vòng bảng và khiến đội tuyển Bỉ hùng mạnh mướt mồ hôi ở vòng 1/8 World Cup 2018 mà phần lớn cũng chỉ là các cầu thủ trẻ.
|
Có thể thấy 2 lần gặp nhau gần đây, khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản không còn quá chênh lệch như trước (có thắng, có thua). Tuy nhiên trong khi thầy trò HLV Park Hang-seo đã vận cả “10 thành công lực” thì người Nhật mới chỉ sử dụng có 5, 6 thành. Họ sử dụng ASIAD 2018 để thử nghiệm nhân sự cho Olympic Tokyo 2020 và sau đó là Asian Cup 2019 để trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ.
Bao lâu mới có thể vượt Nhật Bản?
Rất khó có thể trả lời chính xác câu hỏi này. Nhưng có lẽ không phải là vô cớ khi ông Adachi đưa ra con số 30 năm. Bởi nhiệm vụ của ông Adachi trong nhiệm kỳ của mình ở dải đất hình chữ S là nghiên cứu, hoạch định đường đi cho bóng đá Việt Nam trong thời gian dài, tạo nên một con đường dài không chỉ ở các cấp độ đội tuyển mà còn ở các giải bóng đá quốc nội. Con đường đó được đặt nền móng ngay từ bây giờ nhưng thành quả thì có lẽ phải sau một thế hệ nữa tức là khoảng 20-30 năm nữa mới có thể thu hoạch được (nếu như chúng ta đi đúng hướng).
Trên con đường đó sẽ có những dấu mốc quan trọng mà đầu tiên chính là tấm vé tham dự World Cup 2026, giống như mục tiêu mà HLV Park Hang-seo cũng như HLV Philippe Troussier đã đề ra, khi FIFA dự kiến nâng tổng số đội từ 32 lên 48 kéo theo châu Á sẽ tăng số suất tham dự từ 4,5 lên 8,5.
|
Chỉ khi tới được World Cup, bóng đá Việt Nam mới có thể nói chuyện một cách ngang hàng với bóng đá Nhật Bản, trước khi tính tới việc trở thành đối trọng và vượt qua được “Những chiến binh samurai”.
Mong rằng trong nhiệm kỳ của mình, ông Adachi sẽ làm được nhiều cho bóng đá Việt Nam và biến tuyên bố của mình trở thành sự thật, chứ không phải là những điều viển vông.