2,5 điểm mỗi môn vẫn đỗ vào lớp 10 công lập Hà Nội

Trường THPT Chu Văn An lấy điểm chuẩn 43,25, tức 8,65 điểm một môn, trong khi đó trường THPT Đại Cường chỉ lấy 12,5, trung bình mỗi môn 2,5 điểm.

Chiều 31/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Mức điểm cho thấy sự chênh lệch lớn giữa các trường trong nội thành và ngoại thành.

Trong 113 trường THPT công lập của Hà Nội, 6 trường lấy điểm trên 40, 45 trường lấy trong khoảng 30-39,75, 53 trường lấy từ 20 đến 29,75 và 9 trường lấy dưới 20. Trường THPT Chu Văn An lấy điểm đầu vào cao nhất với 43,25. Kim Liên đứng thứ hai với 41,5, thấp hơn Chu Văn An gần 2 điểm. Đây cũng là hai trường có tỷ lệ chọi cao nhất, lần lượt là 1/3,4 và 1/2,6.

Theo cách tính điểm xét tuyển của Hà Nội (Toán và Ngữ văn hệ số 2, Tiếng Anh hệ số 1), điểm tối đa thí sinh có thể đạt là 50. Để vào được các trường top 10, thí sinh phải đạt 7,85 điểm một môn trở lên, riêng thí sinh đỗ Chu Văn An đạt trung bình 8,65 điểm mỗi môn. Nếu không có điểm ưu tiên và cả ba môn đạt 8, tức mức điểm giỏi, các em vẫn trượt các trường lấy điểm chuẩn trên 40 như Chu Văn An, Kim Liên, Phan Đình Phùng, Thăng Long và Yên Hòa.

Nếu xét theo mức trung bình 5 điểm một môn, 80/113 trường lấy điểm chuẩn từ 25 trở lên, chiếm 70,8%, 33 trường còn lại điểm chuẩn dưới 25. Các trường có điểm chuẩn trung bình dưới 5 tập trung ở các huyện ngoại thành, trong đó khu vực 12 gồm Mỹ Đức và Ứng Hòa có 7/9 trường, khu vực 11 (Thường Tín và Phú Xuyên) cũng 6/9 trường, khu vực 8 (Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì) 7/12 trường.

Khu vực 12 cũng là địa bàn có điểm chuẩn thấp nhất với 5/9 trường dưới 20 điểm, trong đó THPT Đại Cường 12,5, trung bình 2,5 điểm một môn. Ngoài ra, Lưu Hoàng, Minh Quang và Bất Bạt (khu vực 8) cùng lấy 13 điểm, Mỹ Đức C (16,5), Lý Tử Tấn (17,5) nằm ở khu vực 12 và 11.

Xét điểm chuẩn trung bình của các trường trong từng quận, huyện, Cầu Giấy cao nhất với 39,13, kế đó là Hoàn Kiếm 38,88 và Tây Hồ 38,75. Ứng Hòa có điểm chuẩn trung bình thấp nhất 18,35, kém quận đứng đầu 20,78 điểm. Ngoài Ứng Hòa, các huyện có điểm chuẩn trung bình dưới 25 gồm: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì và Phúc Thọ.

Tính riêng điểm chuẩn cao nhất của mỗi khu vực, mức chênh lệch giữa nội thành và ngoại thành cũng thấy rõ. Quận Tây Hồ có trường lấy điểm chuẩn cao nhất với 43,25 (THPT Chu Văn An), trong khi đó, trường cao nhất của huyện Ứng Hòa (THPT Ứng Hòa A) chỉ lấy 26,5, chênh nhau 16,75 điểm.

Một số trường trong nhóm lấy điểm thấp hơn 25 có số nguyện vọng còn thấp hơn chỉ tiêu như Đại Cường (chỉ tiêu 280, hồ sơ 233), Lưu Hoàng (chỉ tiêu 320, hồ sơ 291), Thượng Cát (chỉ tiêu 540, hồ sơ 523)… Trên lý thuyết, các em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường nghiễm nhiên trúng tuyển.

Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, đánh giá nếu chia trung bình điểm của từng môn, điểm chuẩn lớp 10 năm nay không thấp hơn năm ngoái, có trường như THPT Thăng Long còn cao hơn. Việc một trường có điểm chuẩn thay đổi giữa các năm liên tiếp phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví dụ có trường năm ngoái lấy điểm cao, năm sau học sinh e ngại và không dám nộp nguyện vọng vào dẫn đến tình trạng điểm chuẩn giảm. “Điểm chuẩn chỉ là một phần, không thể đại diện cho chất lượng giáo dục trong một năm của trường hay phản ánh hoàn toàn mức độ của đề thi”, thầy Nhâm nói.

Chia sẻ quan điểm về việc các trường trong cùng khu vực có điểm chuẩn chênh nhau tương đối lớn, khoảng 4-18 điểm, thầy cho rằng việc này giúp học sinh chọn trường phù hợp với sức học. Đặt trường hợp chia lại khu vực, nhiều trường điểm cao nằm cùng một nhóm, học sinh chỉ cần sơ sảy một chút sẽ trượt. Trong khi đó, những em có lực học yếu hơn nhưng ở trong khu vực có nhiều trường lấy điểm chuẩn phù hợp sẽ dễ dàng đỗ cấp 3. “Tôi cho rằng trong cùng khu vực, dải điểm rộng giúp học sinh có nhiều lựa chọn, tăng cơ hội trúng tuyển trường THPT công lập”, thầy Nhâm nói.

Về sự chênh lệch điểm chuẩn giữa nội thành và ngoại thành, thầy Nhâm nhận định điều này không mới và là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành chứ không riêng Hà Nội. Bởi đa số điều kiện sống của học sinh vùng ngoại ô không đảm bảo, điều kiện học tập của các em chưa được tốt. Ngoài việc học, nhiều học sinh phải tăng gia sản xuất, giúp đỡ gia đình nên không thể dành toàn thời gian ôn tập. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên, đặc biệt là ở môn tiếng Anh, cũng dẫn đến chênh lệch điểm số giữa các khu vực.

Lãnh đạo trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục và thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, trách nhiệm không chỉ thuộc về ngành giáo dục. Bởi lẽ để nâng cao cuộc sống, thu nhập của gia đình, giúp các em tiếp cận cơ sở vật chất tốt hơn và yên tâm học tập, địa phương và nhiều ngành khác cần tham gia trong thời gian dài.

Học sinh dự thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021. Ảnh: Thanh Hằng

Học sinh dự thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021. Ảnh: Thanh Hằng

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2020 tại Hà Nội diễn ra ngày 17-18/7 với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, ít hơn một môn so với năm ngoái. Do học sinh nghỉ phòng dịch 3 tháng, đề thi được xây dựng trên chương trình tinh giản nên theo đánh giá của giáo viên và học sinh nội thành là “khá dễ”.

Năm nay, toàn thành phố có hơn 107.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó 88.920 em dự thi vào lớp 10. 113 trường công lập tuyển 64.110 chỉ tiêu, công lập tự chủ gần 2.800. Những em không vào công lập sẽ học trường ngoài công lập (hơn 21.400 chỉ tiêu), trung tâm giáo dục thường xuyên (hơn 8.000) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gần 8.500).

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcReno4 series và Oppo Watch trình làng thị trường Việt Nam
Bài tiếp theoCuối năm nay, cung – cầu thịt lợn trong nước sẽ cân bằng