Sáng 4.10,
vàng miếng SJC tăng 100.000 đồng/lượng so với chiều 3.10,Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 41,75 triệu đồng/lượng, bán ra 42,05 – 42,07 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vàng lên 41,8 triệu đồng/lượng, bán ra 42,2 triệu đồng/lượng… Chỉ trong 2 ngày qua, vàng tăng hơn 500.000 đồng/lượng.
Kim loại quý thị trường
thế giới sáng 4.10 tăng 9 USD/ounce so với giá chiều 3.10, lên 1.508 USD/ounce, có thời điểm vàng tăng lên 1.520 USD/ounce. Một số thông tin kinh tế của Mỹ không tốt đẩy giá vàng tăng nhanh. Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Mỹ ở mức 52,6% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mức 56,4% của tháng 8 đồng thời thấp hơn dự báo của các chuyên gia là 55,1%.
Thêm vào đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này tuần kết thúc ngày 29.9 ở mức 219.000 đơn, cao hơn so với mức 213.000 của tuần trước đó đồng thời cao hơn dự báo ở mức 215.000 đơn. Tuy nhiên, một thông tin khả quan là giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ chỉ giảm 0,1% trong tháng 8 sau khi tăng 1,4% ở tháng trước đó, tích cực hơn mức giảm 0,5% theo dự báo. Các thông tin kinh tế Mỹ không mấy khả quan đã làm USD
giảm giá mạnh so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index giảm 0,4 điểm, còn 98,8 điểm.
Thông tin về việc Mỹ áp thuế lên 7,5 tỉ USD hàng hóa Liên minh châu Âu (EU) gồm máy bay, thực phẩm và nhiều loại sản phẩm khác là yếu tố khiến vàng tăng nhanh. Đây được xem là động thái thương mại chống lại EU mạnh mẽ nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và làm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU. Sự căng thẳng này được cảnh báo đặt kinh tế toàn cầu trước những rủi ro mới.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ nhanh chóng khởi động việc đánh thuế các công ty nước ngoài gây ô nhiễm trong phạm vi EU. Ngoài ra, một số thông tin kinh tế EU cũng không mấy khả quan khi chỉ số PMI chính thức lĩnh vực dịch vụ của EU ở mức 49,5 điểm trong tháng 9, thấp hơn mức 52,0 điểm theo khảo sát sơ bộ và dự báo.