Giá vàng trong nước tuần qua đã tăng thêm từ 100.000 đến 500.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới lại trái xu hướng, khi mất gần 10 USD/ounce.
ảnh minh họa
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 50.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 24/5 tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 48,45 – 48,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Còn tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 48,45 – 48,90 triệu đồng/lượng.
Như vậy, tính chung từ đầu tuần, giá vàng SJC đã tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay cũng không đổi so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 47,66 – 48,26 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 5,2 USD lên 1.732,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng 12,8 USD lên 1.734,7 USD/ounce.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu đã tăng trở lại, do căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, sau khi Trung Quốc đề xuất một luật an ninh mới cho Hồng Kông, vốn bị phía Mỹ kịch liệt lên án.
Trong tuần, giá vàng giao ngay đã giảm 9,5 USD/ounce, tương đương -0,54%. Trong khi giá vàng giao tương lai giảm 19,4 USD/ounce, tương đương -1,1%.
Giới quan sát lưu ý rằng, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang cùng nỗi lo về đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán nhưng hỗ trợ đồng USD, vốn cũng được coi là một kênh trú ẩn an toàn.
Trong quá khứ, căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã giúp đồng USD hưởng lợi chủ yếu từ việc nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Nhưng ở hiện tại, quan hệ Mỹ-Trung xấu đi đã thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào cả vàng lẫn đồng USD.
Tuần tới, giới đầu tư sẽ chờ đợi dữ liệu GDP điều chỉnh quý I của Mỹ, cũng như số liệu các đơn hàng lâu bền, tỷ lệ thất nghiệp và doanh số bán nhà.