Luca Lampariello (37 tuổi, người Italy) thông thạo 13 ngôn ngữ. Từ phương pháp học của bản thân, anh rút ra năm bước học bằng video.
Là công cụ chia sẻ video, không ít người phàn nàn Youtube chỉ gây lãng phí thời gian quý báu mà không thu lại nhiều giá trị. Cá nhân tôi dành rất nhiều thời gian sử dụng Youtube và học ngoại ngữ nhờ trang web này. Trên thực tế, nếu bạn biết sách sử dụng hiệu quả, trang này có thể mang lại nhiều lợi ích.
Bước 1: Tìm video bằng ngôn ngữ học
Theo thống kê, tổng thời gian mọi người xem Youtube mỗi ngày là một tỷ giờ. Với con số này, quả thật không ngạc nhiên khi trang web này bị coi là gây lãng phí thời gian. Nếu muốn dùng Youtube để học ngoại ngữ, bạn cần có chiến lược cụ thể để tìm video phù hợp với mục đích, tránh sa vào xem vô thưởng vô phạt, không thu lại ích lợi nào.
Đề xuất của tôi là chọn nội dung video bạn muốn xem trước khi mở Youtube. Nếu bạn đã có sẵn video cụ thể trong đầu, chỉ cần nhập tên của video vào mục tìm kiếm hoặc tra tên video trên Google.
Nếu chưa có video cụ thể, việc tập trung sẽ khó khăn hơn. Khi bạn bắt đầu dò tìm những video trên Youtube, chắc chắn bạn sẽ bị phân tán sự chú ý bởi video đề xuất. Cách tốt nhất để tìm video học là tham gia các diễn đàn học ngôn ngữ, hỏi xin người học hoặc người bản xứ video nên xem. Hoạt động này giống với việc bạn xin tên sách, tên tài liệu học từ người đi trước.
Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng sẽ có một số kênh Youtube phổ biến dành cho người học. Vì vậy một khi bạn có đề xuất, bạn có thể trực tiếp truy cập vào đó, tránh bị phân tán tư tưởng.
Một cách tiếp cận khác nhưng có phần rủi ro hơn là cài đặt vị trí của bạn trên Youtube là quốc gia sử dụng ngôn ngữ bạn đang học. Khi vị trí của bạn được thay đổi, trên trang chủ của YouTube, bạn sẽ được đề xuất các video phổ biến, nổi tiếng tại quốc gia đó.
Bước 2: Chọn video phù hợp
Cho dù tự tìm video hoặc nhận được đề xuất của mọi người, bạn sẽ sớm gặp vấn đề là quyết định video nào phù hợp với trình độ vì có quá nhiều video phải xem. Quá nhiều lựa chọn sẽ nhanh chóng dẫn đến mệt mỏi, chưa kể nhiều video cao hơn trình độ sẽ khiến bạn nản chí và bỏ cuộc. Vì vậy, bước tiếp theo tôi muốn đề cập là chọn video phù hợp.
Khi chọn video trên Youtube để học, tôi thường tuân theo những quy tắc sau:
– Chủ đề video khiến tôi thấy tò mò, thú vị.
– Ngôn ngữ video dễ hiểu, phù hợp với trình độ học.
– Thời lượng video ngắn gọn (khoảng 5 phút).
– Có phụ đề, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ học (tốt nhất là có cả hai).
Bất kỳ video nào không đáp ứng tiêu chí trên đây, tôi cũng sẽ bỏ qua. Video nào thiếu mất một, hai tiêu chí, tôi sẽ lưu lại để xem sau, khi trình độ tốt hơn. Và cái nào có đầy đủ tiêu chí, tôi sẽ thêm vào danh sách phát dành riêng cho việc học tiếng để có thể nhanh chóng truy cập khi cần.
Các quy tắc này rất bổ ích vì chúng giúp tôi chuyển từ rất nhiều phương án sang chỉ một vài lựa chọn trong khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt, nó cho phép tôi nhanh chóng đi đến bước quan trọng nhất là xem video.
Luca Lampariello có thể nói thành thạo 13 ngôn ngữ. Ảnh: Luca Lampariello. |
Bước 3: Sẵn sàng xem
Khi đã có danh sách phát video cần học, giờ là lúc bạn ngồi xuống, xem và thực sự học từ nó. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng không dễ chút nào. Nếu bạn muốn hấp thụ nhiều nhất kiến thức ngôn ngữ, cần có thái độ và cách thức xem video hoàn toàn khác so với xem video bằng tiếng mẹ đẻ.
Mục tiêu đầu tiên là xây dựng sự tập trung. Bạn không nên vừa xem vừa đi lại xung quanh mà hãy ngồi vào bàn với giấy và bút. Tôi khuyên bạn nên tải công cụ Wisesub, tiện ích mở rộng của Google để giúp dịch phụ đề video nhanh chóng. Điều này cho phép bạn dễ hiểu những gì đang diễn ra trong video mà không mất thời gian tra từ điển.
Bước 4: Xem đi xem lại
Học ngôn ngữ bằng video có nghĩa là bạn phải xem nhiều hơn một lần và ghi nhớ nó. Tôi đề xuất quy trình xem video gồm năm thao tác, giúp bạn dần dần tìm hiểu và đánh giá nội dung, từ đó thẩm thấu nhiều nhất về ngôn ngữ đang học.
Lần 1: Xem video hai lần có phụ đề ngôn ngữ học.
Lần 2: Xem video một lần có phụ đề tiếng mẹ đẻ.
Lần 3: Xem lại một lần video có phụ đề ngôn ngữ học.
Lần 4: Xem video có phụ đề ngôn ngữ học nhưng ghi chú từ hoặc cụm từ mới, khó.
Lần 5: Xem video không có phụ đề, tập trung vào hình ảnh và ngôn ngữ cơ thể.
Quy trình này giúp bạn ghi nhớ video bằng cách lặp lại, nhưng cũng thông qua các cách khác nhau để học ngôn ngữ. Xem với phụ đề ngôn ngữ học giúp củng cố mối liên kết giữa giọng nói và chữ viết. Điều này đồng thời cải thiện kỹ năng nghe và đọc của bạn.
Xem với phụ đề bằng tiếng mẹ đẻ giúp bạn nhanh chóng hiểu những gì đang diễn ra trong video và nắm bắt những từ khó, từ mới hoặc nội dung của video. Xem lại với phụ đề ngôn ngữ học cho phép bạn khớp kiến thức bạn có được từ phụ đề tiếng mẹ đẻ ở bước trước với ngôn ngữ xuất hiện trong video.
Xem trong khi ghi chú cho phép bạn suy nghĩ nghiêm túc về nội dung video, rút ra mối quan hệ giữa các từ và ý tưởng, từ đó ghi nhớ từ mới. Xem không có phụ đề và tập trung vào thị giác cho phép bạn nắm bắt chất lượng hình ảnh của ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ cơ thể và nét mặt.
Bạn có thể lặp lại video bao nhiêu lần tuỳ thích nhưng nên đi theo quy trình năm bước trên. Mỗi lần xem lại video, bạn sẽ có góc nhìn mới.
Bước 5: Ghi chép
Một trong những lợi ích của việc sử dụng Youtube để học là mỗi video có thể dạy cho bạn nhiều điều về ngôn ngữ, bao gồm ngữ pháp, từ vựng, âm điệu, cách phát âm, thành ngữ, ngôn ngữ cơ thể, văn hoá (lịch sử, chính trị). Tuy nhiên, bạn không thể mong xem một lần và kiến thức đó ăn sâu vào trí nhớ bạn.
Để lưu giữ kiến thức và sử dụng nó trong tương lai, không chỉ vận dụng vào học ngôn ngữ, bạn cần ghi chép lại thông tin hữu ích. Nhưng tôi thật sự khuyên bạn nên tiến xa hơn một bước, không chỉ ghi chép, hãy phát triển thành hệ thống bài bản, logic. Trường hợp của tôi, tôi luôn chuẩn bị sổ ghi chú trong quá trình học. Trong khi nghe video, tôi sẽ viết kiến thức cần học vào sổ ghi chú hoặc ở chỗ khác rồi chuyển vào sổ.
Nếu bạn muốn phương pháp “công nghệ” hơn, hãy nhập ghi chú trên máy tính, sau đó lưu dữ liệu trên đám mây. Các dịch vụ miễn phí như Google Docs và Microsoft OneNote là ứng dụng tuyệt vời cho việc này.
Cuối cùng, trong khi học, hãy nhớ đến một câu nói của người La Mã: “Verba volant, scripta manent” (Lời nói bay đi, chữ nghĩa vẫn còn), hoạt động học này sẽ không bao giờ khiến bạn hối tiếc.
Tú Anh (Theo Luca Lampariello)