Trung Quốc đang chuẩn bị gửi vệ tinh cuối cùng lên vũ trụ, một động thái để hoàn thành mạng lưới định vị toàn cầu và thoát khỏi sự phụ thuộc vào
công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực này. CNBC dẫn lời của các chuyên gia cho biết, đây là sự phát triển đáng kể vì nó đảm bảo các hệ thống quân sự của
Trung Quốc vẫn giữ được trạng thái trực tuyến trong trường hợp xuất hiện xung đột với Mỹ, đồng thời cũng là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh tầm ảnh hưởng về công nghệ của Bắc Kinh ở nước ngoài.
“Quân đội Trung Quốc hiện đã có một hệ thống có thể sử dụng độc lập với
hệ thống GPS của Mỹ”, Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ Úc, nói.
Theo kế hoạch, đợt phóng vệ tinh Beidou cuối cùng sẽ được thực hiện vào cuối tuần qua nhưng đã bị hoãn lại do các vấn đề về kỹ thuật. Trung Quốc bắt đầu thiết kế hệ thống định vị riêng vào cuối những năm 1990 và phiên bản đầu tiên của Beidou được đưa vào sử dụng năm 2000, cung cấp phủ sóng cho các dịch vụ dựa trên vệ tinh tại đại lục. Phiên bản thứ hai được hoàn thành vào năm 2012, cung cấp dịch vụ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và với phiên bản thứ ba này, Beidou hướng đến mục tiêu phủ sóng toàn cầu.
Beidou là biểu tượng đầy tham vọng của Trung Quốc không chỉ về công nghệ mà còn trong chính sách đối ngoại. Theo ông Christopher Newman, Giáo sư luật và chính sách vũ trụ tại Đại học Northumbria ở Mỹ, Beidou có quan hệ mật thiết với
Sáng kiến Vành đai – Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng lớn của Bắc Kinh nhằm liên kết một số lục địa thông qua đường sắt, đường bộ… Như một phần trong kế hoạch, nhiều nước đã vay một khoản tiền lớn từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng và sau đó ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc vì không có khả năng trả nợ.
“Hãy tưởng tượng sự phụ thuộc đó mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và GPS. Hệ thống điều hướng mới chỉ làm tăng tầm ảnh hưởng rộng khắp của Trung Quốc”, ông Newman nói.
Các nước như Thái Lan và Pakistan đã sử dụng hệ thống Beidou cho nhiều mục đích khác nhau. Theo Tân Hoa xã, ông Yang Changfeng, người thiết kế chính của Beidou, nói rằng hơn một nửa số quốc gia trên
thế giới đang sử dụng hệ thống định vị này.