HomeCông nghệTrẻ em Việt học công nghệ chỉ để chơi

Trẻ em Việt học công nghệ chỉ để chơi

Trẻ em Việt học công nghệ chỉ để chơi

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Việt Nam có tỉ lệ trẻ em đã được học kỹ năng lập trình tại trường học cao nhất trong 4 nước gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Banglades, Fiji, tuy nhiên lại có tỉ lệ thấp nhất về số trẻ đã từng tự phát triển các trang web hoặc lập trình các ứng dụng, theo nghiên cứu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố vào chiều 21-3.

Trẻ em học tin học tại một trung tâm tại Việt Nam. Ảnh: TL

Thông tin trên được đại diện UNESCO cho biết tại phiên thảo luận chuyên đề về “Quyền công dân số” thuộc sự kiện Diễn đàn Internet Việt Nam được tổ chức vào chiều ngày 21-3 tại Hà Nội.

Diễn đàn này do Đại sứ quán Thụy Điển, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trường Đại học Lund (Thuỵ Điển) đồng tổ chức.

Tại phiên thảo luận chuyên đề về “Quyền công dân số”, bà Jonghwi, chuyên gia UNESCO đã chia sẻ một số phát hiện từ dự án nghiên cứu về quyền công dân số đã được UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương thực hiện trong 2 năm với khoảng 5.000 trẻ em 15 tuổi tại 4 nước gồm Hàn Quốc, Banglades, Fiji và Việt Nam.

Bà Jonghwi cho biết lý do UNESCO đưa ra dự án nghiên cứu về quyền công dân số là nhằm để các nước có thể theo dõi và đánh giá năng lực của trẻ em tại nước mình trong lĩnh vực quyền công dân số. Từ đó có được những chính sách giáo dục hiệu quả, phù hợp từ những chứng cứ thực tế của dự án nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu của dự án nghiên cứu trên cho thấy, với cả 4 quốc gia, phương diện trẻ em có năng lực nhất là an toàn và sức đề kháng trên mạng; phương diện trẻ em có năng lực thấp nhất là sáng tạo và đổi mới số.

UNESCO cho rằng kết quả này cho thấy, các hệ thống giáo dục của các nước được khảo sát dường như đều quá chú trọng đến các vấn đề liên quan đến an toàn, chưa quan tâm nhiều đến khả năng sáng tạo, đổi mới.
Số liệu thống kê từ dự án nghiên cứu còn cho thấy, trẻ em càng tiếp cận với công nghệ số tại nhà thì càng có năng lực số cao.

Kết quả nghiên cứu của UNESCO cũng chỉ ra rằng, có khoảng 8% trẻ em Việt Nam và Hàn Quốc sử dụng công nghệ số hơn 7 giờ mỗi ngày. Rất ít giáo viên tại Việt Nam khuyến khích trẻ em học tập trên mạng. Việt Nam có tỉ lệ trẻ em đã được học kỹ năng lập trình tại trường học cao nhất trong 4 nước, tuy nhiên lại có tỉ lệ thấp nhất về số trẻ tham gia khảo sát cho biết đã từng tự phát triển các trang web hoặc lập trình các ứng dụng.

Ngoài ra, số liệu nghiên cứu tại 4 nước cho thấy, tại khu vực thành thị trẻ em có kỹ năng công nghệ tốt hơn so với các em ở khu vực nông thôn. UNESCO cho rằng “hố ngăn cách” về công nghệ vẫn  tồn tại giữa khu vực thành thị và nông thôn ở các nước. Và tổ chức này cũng khuyến nghị các nước cần có các sáng kiến để giải quyết “hố ngăn cách” này về công nghệ số. Khuyến khích các nước tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận một cách bình đẳng với công nghệ số, có cơ hội bình đẳng để phát triển quyền công dân số.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img