Nhắc đến tình trạng người nước ngoài lách luật, mua đất ở những vị trí đắc địa, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT và KH&ĐT đề xuất biện pháp quản lý, không để hậu quả xấu có thể xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu 2 Bộ TN&MT và KH&ĐT đề xuất biện pháp quản lý tình trạng người nước ngoài lách luật, mua đất ở những vị trí đắc địa. Ảnh: VGP.
Nội dung trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 chiều 2/6.
Nhấn mạnh tinh thần không lùi bước trước khó khăn, Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành phải có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt được mục tiêu cao nhất năm 2020.
Đồng thời, tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép thành công; khôi phục hoạt động kinh tế xã hội quyết liệt hơn.
Trước hết, ông yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và quyết liệt triển khai gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, gồm gói chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho hơn 20 triệu người.
“Chính sách hỗ trợ người dân nghèo, người thất nghiệp là tốt nhưng nếu không quản lý tốt, không làm rõ trách nhiệm thì nảy sinh vấn đề phức tạp. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, đối tượng với tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng”, Thủ tướng quán triệt.
Nhắc đến Nghị quyết 84 mới được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Coѵīd-19, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, địa phương cần có chương trình hành động triển khai nghị quyết này, đặc biệt là đầu tư công ở các ngành, các địa phương.
“Việc này không nhắc lại không được bởi một bộ phận cán bộ công chức của chúng ta từ tỉnh đến huyện, một số ngành vẫn còn gây khó khăn”, Thủ tướng nói.
Về tài nguyên, môi trường, Thủ tướng đề cập việc gần đây có tình trạng người nước ngoài lách luật, mua những lô đất ở vị trí đắc địa và yêu cầu 2 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp quản lý, không để hậu quả xấu có thể xảy ra.
Về kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hiệp hội có những chương trình kích cầu du lịch nội địa tốt. Ông đề nghị các ngành hàng cần phải có chương trình kích cầu nội địa, tiêu dùng cá nhân, trong đó có việc thúc đẩy nhà ở xã hội.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và doanh nghiệp điện tử, thanh toán điện tử. Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.
Trước đó, Thủ tướng ghi nhận kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh, mạnh trong tháng 5 so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã lao động hết mình, hứa hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020. Một số ngành như công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cam kết không rút lại các kế hoạch trong bối cảnh hậu Coѵīd-19. Đặc biệt, hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao..
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch Coѵīd-19, nhất là lực lượng trên tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, các cửa khẩu, bởi chúng ta còn đối diện các rủi ro, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là đại dịch Coѵīd-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu.