Thu hồi đất của dân với giá ‘bèo’ cho doanh nghiệp làm đô thị?
Hàng chục hộ dân ở P.Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) tố cáo chính quyền áp giá đền bù thấp khi thu hồi đất để giao đất cho doanh nghiệp làm khu đô thị thu lợi “khủng”.
Bên trong khu đô thị Phúc Đạt. Ảnh: Đỗ Trường
|
Vụ việc liên quan đến khu đô thị (KĐT) Phúc Đạt (P.Phú Lợi). Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án này có nguồn gốc từ dự án Khu dân cư (KDC) Phú Thuận được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận địa điểm quy hoạch và đầu tư xây dựng tại Văn bản số 2311 ngày 2.6.2003 do Công ty TNHH đầu tư – xây dựng Cát Toàn làm chủ đầu tư với quy mô 32 ha.
Đến ngày 26.12.2003, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch KDC Phú Thuận với quy mô 21,7 ha. Ngày 11.9.2008, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết KDC Phú Thuận từ 21,7 ha thành 19 ha (như hiện nay).
Đổi chủ đầu tư, triển khai thần tốc
Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương, ngày 20.5.2009, UBND TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 KDC Phú Thuận.
Đến ngày 3.6.2016, UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi chủ trương thực hiện dự án KDC Phú Thuận của Công ty TNHH đầu tư – xây dựng Cát Toàn và giao Sở Xây dựng, UBND TP.Thủ Dầu Một tìm kiếm đơn vị có năng lực triển khai thực hiện.
Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại lên UBND và HĐND tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp giải quyết. Trong khi đó, chúng tôi lại không được xây dựng sửa chữa nhà khi bị hư hỏng, không được tách thửa cho con cháu… Quyền lợi chúng tôi thực sự bị xâm phạm nghiêm trọng.
Ông Lê Ngọc Dũng, P.Phú Lợi
|
Ngày 27.7.2016, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 2636/UBND-KTN chấp thuận cho Công ty TNHH sản xuất – thương mại Phúc Đạt (Công ty Phúc Đạt) làm chủ đầu tư thực hiện dự án KDC Phú Thuận (do trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương).
Dự án KDC Phú Thuận sau đó đổi tên thành KĐT Phúc Đạt, được UBND TP.Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 2.12.2016. Tuy nhiên, từ khi chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, Công ty Phúc Đạt đã khởi công xây dựng con đường nội bộ (sau được đặt là đường Hoàng Hoa Thám nối dài và hiện là đường Nguyễn Văn Trỗi) nối từ vòng xoay KDC Hiệp Thành 3 ra đường Mỹ Phước – Tân Vạn (cổng chính). Song song với việc làm đường chính, Công ty Phúc Đạt cho phân khu đất ra thành từng lô, từng nền, sau đó chuyển cho các đơn vị phân phối dự án chào bán ra thị trường với giá khoảng 14 triệu đồng/m2.
Còn theo thông tin được chủ đầu tư công bố, KĐT Phúc Đạt nằm ở vị trí “đất vàng” với 3 mặt tiền đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Hoa Thám nối dài, diện tích 19 ha với 1.200 sản phẩm đất nền, nhà phố liền kề, biệt thự và 439 căn hộ cao cấp. Hiện nay, nhà phố liền kề có diện tích đất 100 m2 được rao bán với giá 5,8 tỉ đồng/căn; giá chung cư (bên rao bán gọi là căn hộ cao cấp) dao động từ 27 – 29 triệu đồng/m2…
Dân bị thiệt thòi quyền lợi
Trong khi giá bán nhà đất tại KĐT Phúc Đạt mà người dân cho là “cao ngất ngưởng”, thì người dân cũng cho rằng phương án áp giá đền bù giải tỏa mà chính quyền địa phương phê duyệt, làm cơ sở cho Công ty Phúc Đạt tự thực hiện bồi thường cho người dân, chỉ có 2,2 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp và 7,2 triệu đồng/m2 đất ở đô thị (năm 2017), là chưa thỏa đáng. Chính vì vậy, cho đến nay còn nhiều hộ dân không chấp nhận giá bồi thường nói trên, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo UBND TP.Thủ Dầu Một áp giá đền bù quá thấp, không phù hợp với giá thị trường.
Theo nhiều hộ dân bị thu hồi đất, do không chấp nhận nhận tiền đền bù, họ bị chính quyền “phong tỏa” tài sản như không được tách thửa, sang nhượng, xây dựng sửa chữa nhà cửa…
“Chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại lên UBND và HĐND tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp giải quyết. Trong khi đó, chúng tôi lại không được xây dựng sửa chữa nhà khi bị hư hỏng, không được tách thửa cho con cháu… Quyền lợi chúng tôi thực sự bị xâm phạm nghiêm trọng”, ông Lê Ngọc Dũng (ngụ P.Phú Lợi) bức xúc. Ngoài ra, người dân ở đây không đồng tình về việc chính quyền áp giá đền bù đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm cùng một khung giá khiến họ bị thiệt thòi.
Vì sao không áp giá thị trường?
Sáng 23.11, UBND TP.Thủ Dầu Một có văn bản trả lời Báo Thanh Niên liên quan đến KĐT Phúc Đạt. Theo UBND TP.Thủ Dầu Một, từ khi Công ty Phúc Đạt làm chủ đầu tư thì dự án còn trên 5,3 ha đất chưa giải phóng mặt bằng với 57 hộ dân sử dụng đất.
Đến nay, UBND TP.Thủ Dầu Một đã ban hành phương án bồi thường cho 55 hộ/4,9 ha đất và hiện đã có 17 hộ nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng với diện tích trên 1,3 ha. Diện tích còn lại chưa đền bù (người dân chưa nhận tiền đền bù) là trên 3,5 ha (38 hộ với) và diện tích chưa giải tỏa gần 0,4 ha (2 hộ).
Về giá đền bù đất người dân cho là “rẻ mạt”, UBND TP.Thủ Dầu Một nêu giá đền bù người dân (năm 2016) được căn cứ theo điều 7 Quyết định số 51.2014/QĐ-UBND ngày 18.12.2014 của UBND tỉnh Bình Dương quy định giá đất để tính bồi thường là giá đất cụ thể theo mục đích đang sử dụng của loại đất bị thu hồi, được UBND tỉnh Bình Dương quyết định đối với từng dự án.
Cụ thể, năm 2016 UBND TP.Thủ Dầu Một quyết định đền bù cho người dân trong diện giải tỏa để giao đất cho KĐT Phúc Đạt được áp giá đền bù đất của năm 2014 với giá 2,2 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp và 7,2 triệu đồng/m2 đất ở tại đô thị. Ngoài ra, theo UBND TP.Thủ Dầu Một, Công ty Phúc Đạt còn hỗ trợ thêm đơn giá bồi thường đối với những hộ dân có đất nông nghiệp nằm trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn và đường Nguyễn Văn Trỗi với giá từ 1,2 triệu đến 1,7 triệu đồng đồng/m2 (tùy theo vị trí).
Tuy nhiên, các hộ dân bị giải tỏa không chấp nhận mức giá nói trên, và yêu cầu thực hiện áp giá đền bù theo giá thị trường tại thời điểm hiện nay (2019). Trường hợp qua năm 2020 HĐND tỉnh Bình Dương tăng giá đất thì thực hiện theo giá thị trường năm 2020.
Về vấn đề có hay không sự hậu thuẫn, “chống lưng” cho Công ty Phúc Đạt “thần tốc” triển khai dự án mà PV Thanh Niên đặt ra, trong văn bản trả lời của UBND TP.Thủ Dầu Một không đề cập tới.
|
Đỗ Trường