Tuy nhiên, tổng cộng tài sản của 10 người giàu nhất trên sàn vẫn tăng thêm hơn 50.000 tỉ đồng so với cuối năm trước.
Giá cổ phiếu VIC của Vingroup chốt năm 2018 đứng ở mức 95.300 đồng/cổ phiếu, tăng thêm 33% so với cuối năm qua (tính theo giá cổ phiếu điều chỉnh sau khi chia thưởng và trả cổ tức trong năm 2018).
Điều này đưa tài sản cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư VN đạt gần 185.000 tỉ đồng, tăng thêm gần 61.000 tỉ đồng so với cuối năm trước và tiếp tục dẫn đầu Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán VN. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai với tổng tài sản trị giá gần 26.000 tỉ đồng.
|
Ngày càng nhiều doanh nhân chuyển số lượng sở hữu trực tiếp sang gián tiếp thông qua các công ty riêng. Việc liệt kê gián tiếp năm nay bổ sung thêm hai gương mặt người giàu mới trong danh sách này là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group. Hai người này xếp ở vị trí người giàu thứ 3 và thứ 4 trên sàn chứng khoán, lần lượt thay thế vị trí của hai doanh nhân Trịnh Văn Quyết và Trần Đình Long so với cuối năm 2017.
tin liên quan
Trong danh sách người giàu cuối năm 2018, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC là người bị sụt giảm tài sản nhiều nhất do cổ phiếu FLC mất giá mạnh trong năm. Tài sản của ông Quyết chỉ còn khoảng 15.565 tỉ đồng, giảm hơn 43.000 tỉ đồng so với một năm trước…
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận xét, thị trường chứng khoán năm 2018 sụt giảm đã khiến cho tài sản nhiều người giàu suy giảm.
Tuy nhiên, điều này cũng chưa phản ánh đúng thực tế giá trị nhiều DN bởi thị trường chứng khoán thường phản ánh vào kỳ vọng tương lai nhiều hơn. Đồng thời cơ cấu nhà đầu tư tại thị trường VN đa số vẫn là nhỏ lẻ nên xác định giá cổ phiếu đôi khi chưa đúng giá trị thực.
Đó là chưa kể, giá cổ phiếu của các công ty trên sàn chứng khoán không ảnh hưởng đến quá trình xếp hạng về tín nhiệm của DN nên không tác động nhiều đến việc huy động vốn thông qua các kênh khác. Điều quan trọng là trong năm qua, thị trường chứng khoán đã có nhiều DN có quy mô lớn lên sàn, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ các quỹ ngoại và điều này cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Số doanh nghiệp lên sàn tiếp tục tăng cao Tính đến hết năm 2018, trên 3 sàn chứng khoán có tổng cộng 1.558 DN niêm yết/đăng ký giao dịch, tăng 136 DN so với cuối năm 2017. Trong đó, 378 DN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, 376 DN niêm yết trên sàn Hà Nội và 804 DN đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tổng giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán tương đương khoảng 82,2% GDP. Theo thống kê, có 32 DN có giá trị vốn hóa tỉ USD, trong đó có 3 DN niêm yết mới và 6 DN đăng ký giao dịch mới.
|