Tổng tài sản của các tỷ phú công nghệ trong Bloomberg Billionaire Index đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2016 đến nay, từ 751 tỷ USD lên 1.400 tỷ USD.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh Jeff Bezos cùng lãnh đạo của loạt hãng công nghệ lớn nhất nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc điều trần quy mô lớn về vấn đּề độּc quyền trước Quốc hội Mỹ, khối tài sản cá nhân không ngừng tăng nhanh của họ là thước đo cho thấy sức mạnh của các công ty này.
Tính từ đầu năm đến nay, tài sản của Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đã tăng 63,6 tỷ USD. Thậm chí, có thời điểm trong tháng 7, tài sản của ông chủ Amazon tăng tới 13 tỷ USD trong một ngày – mức tăng lớn chưa từng thấy. Theo Bloomberg, tài sản của người giàu nhất thế giới có thể sắp phá kỷ lục mới, vượt mốc 200 tỷ USD.
Trong khi đó, cũng chuẩn bị phải ra điều trần, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, đã bỏ túi 9,1 tỷ USD từ đầu năm. Tài sản của Zuckerberg được dự báo sẽ sớm vươn lên ngang tầm tài sản của Bezos và Bill Gates – người giàu thứ hai thế giới.
Người kıếּm nhiều tiền nhất từ đầu năm là Elon Musk với tài sản tăng hơn 200% lên 69,7 tỷ USD nhờ cổ phiếu hãng xe điện Tesla liên tục tăng mạnh.
Theo đó, tổng tài sản của Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Elon Musk đã tăng 115 tỷ USD từ đầu năm.
Thay đổi tài sản của top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới, trong đó chỉ 2 tỷ phú ngoài lĩnh vực công nghệ chứng kiến tài sản giảm. Nguồn: Bloomberg.
Trong khi đó, tài sản của Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, và Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft, cũng tăng dù họ đã rời công ty từ lâu.
Tài sản của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani, cũng tăng mạnh khi giá cổ phiếu của đế chế dầu mỏ Reliance Industries Ltd. tăng 45% từ đầu năm. Ngoài lĩnh vực khai khoáng, Reliance còn mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh số. Hiện Ambani là người giàu thứ 5 thế giới.
Trong top 10 người đứng đầu Bloomberg Billionaire Index – danh sách 500 người giàu nhất thế giới, chỉ có 2 người chứng kiến tài sản giảm từ đầu năm. Đó là ông hoàng thời trang xa xỉ Pháp Bernard Arnault và Warren Buffett của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway.
Theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index, tài sản của các tỷ phú công nghệ tăng với quy mô và tốc độ lớn nhất trong tất cả lĩnh vực. Trên thực tế, nhóm 500 người giàu nhất thế giới thậm chí còn giàu nhanh và mạnh hơn bất chấp dịch Coѵīd-19 đang tàn phá kinh tế toàn cầu và khiến ngày càng nhiều hoạt động kinh tế phải chuyển sang trực tuyến.
Tổng tài sản của các tỷ phú công nghệ trong Bloomberg Billionaire Index đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2016 đến nay, từ 751 tỷ USD lên 1.400 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong số tất cả lĩnh vực. 7/10 người đứng đầu danh sách có tài sản đến từ lĩnh vực công nghệ với tổng tài sản 666 tỷ USD, tăng 147 tỷ USD trong năm nay.
“Chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển của nền kinh tế vật lý sang nền kinh tế trực tuyến với tốc độ chóng mặt”, Luigi Zingales, giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, cho biết. “Làn sóng này lẽ ra phải diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn, nhưng giờ đây nó đang diễn ra chỉ trong vài tuần thay vì hàng năm”.
Hiện tại, 5 hãng công nghệ lớn nhất tại Mỹ, gồm Apple, Amazon, Alphabet, Facebook, và Microsoft đang có tổng vốn hóa tương đương 30% GDP của Mỹ. Con số này tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2018.