Những năm gần đây, các trường học ở Bắc Giang đã xây dựng môi trường xanh ngay tại trường. Cùng với việc trồng cây xanh, các trường tận dụng những khoảng đất trống để lập mô hình vườn rau sạch.
Niềm vui thu hoạch của cô trò trường MN Bích Sơn
Xem Video: Gia đình Việt trồng rau mô hình VAC tại Đức
Năm học này, trường tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã khởi xướng mô hình trồng rau sạch sớm hơn mọi năm. Công việc trồng rau do Ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ về phân bón, nhà trường lo về hạt giống, cây và giáo viên là người trực tiếp giúp đỡ học sinh kỹ năng, kiến thức gieo trồng và chăm sóc.
Tận dụng những khu đất trống, nhà trường đã tổ chức cho thầy cô cùng các em học sinh trồng rau xanh trong các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp. Theo đó, học sinh mỗi lớp sẽ phụ trách vườn rau của lớp mình. Các em tự xới đất, gieo hạt, tưới cây đến chăm sóc, vun trồng. Sau khi có rau thành phẩm, các lớp sẽ tổ chức thu hoạch theo từng đợt, phục vụ bữa ăn hằng ngày cho học sinh, nhiều trường mở phiên chợ bán rau sạch cho phụ huynh.
Từ một số loại rau dễ trồng ban đầu như cải mầm, rau muống, đến nay vườn rau của học sinh các trường MN, tiểu học, THCS đã có thêm nhiều loại mới như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau mồng tơi, giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức về đặc điểm phát triển của các loại rau, cũng như hiểu rõ cách chăm sóc, vun trồng từng loại cây, qua đó góp phần hình thình thói quen bổ sung rau vào thực đơn ăn uống của gia đình.
Nhiều năm học gần đây vườn rau của các nhà trường luôn xanh tốt, các em học sinh đã có kinh nghiệm trồng rau vì thế cả cô và trò đều rất hào hứng với công việc này. Mùa nào thức nấy, bốn mùa học sinh nhà trường đều có rau xanh để cải thiện bữa ăn, đảm bảo chất lượng, tạo cảnh quan xanh mát trong khuôn viên nhà trường.
Vườn rau của trường tiểu học Bích Sơn
Cô Phan Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng trường tiểu học Bích Sơn cho biết: Nhà trường đã tận dụng khu đất trống trong trường và cho học sinh tham gia sản xuất. Qua quá trình tăng gia sản xuất như vậy thứ nhất là tạo cho học sinh ý thức, trách nhiệm trong quá trình học tập và trong quá trình chăm sóc, thứ hai nữa là tăng thêm nguồn thu nhập.
Từ quá trình trồng rau như vậy các em tự chăm sóc rau nhập vào nhà ăn bán trú của trường rồi lấy nguồn kinh phí đó để tổ chức các hoạt động cho lớp. Qua những hoạt động như vậy, chúng tôi thấy rất thiết thực và giáo dục cho học sinh rất nhiều ý thức về học tập, về quá trình chăm sóc bản thân, về ý thức lao động.
Mô hình vườn rau xanh đã tạo điều kiện để học sinh được rèn luyện mình, có ý thức về lao động, biết trân trọng những thành quả lao động gắn việc học đi đôi với hành, nhà trường gắn với lao động sản xuất. Khi đến đợt thu hoạch, rau sẽ được bán lại cho nhà bếp tại trường và số tiền thu được sẽ gây quỹ của công đoàn trường để khen thưởng đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Bà Đỗ Thị Hương – Trưởng Phòng GD& ĐT huyện Việt Yên cho biết: Mô hình gắn việc giảng dạy với thực tiễn lao động sản xuất, qua đây giúp các em học sinh được làm quen với mô hình nông nghiệp sạch và được thực hành thực tế. Nhờ vậy trường học trở nên gần gũi hơn với giáo viên và học sinh, tạo môi trường dạy và học thoải mái, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.