Covid-19 thay đổi tư duy kinh doanh của nhiều đơn vị. Thậm chí, mới đây, một chợ đầu mối ở TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn chuyển đổi số, trong đó có bán hàng online.
Xem Video: Bán hàng online, bị truy thu thuế 8 tỷ
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thúy Anh – Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số (thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương) chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020 ngày 25/6.
Cụ thể, bà đánh giá đại dịch Coѵīd-19 tuy tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề, nhưng lại là cú hích đối với TMĐT. Giai đoạn đỉnh dịch từ tháng 2 đến tháng 4, các mặt hàng như thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… có doanh thu trực tuyến rất lớn.
Khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy, doanh nghiệp TMĐT tăng trưởng trung bình 14% trong giai đoạn này so với cùng kỳ năm 2019.
“dịch đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, giúp họ tiếp cận với phương thức mua hàng online. Các doanh nghiệp bán hàng truyền thống bắt đầu nghĩ đến phương thức chuyển dịch dần sang online. Thậm chí doanh nghiệp sản xuất cũng chuyển đổi số để bán hàng online”, bà Thúy Anh nhận định.
Điển hình là một chợ đầu mối tại TP.HCM. Theo bà Thúy Anh, dù đang vận hành một hệ thống khá cồng kềnh, chợ này vẫn mong muốn chuyển đổi số, trong đó mang một số mặt hàng đặc trưng, có điểm nhấn ở phía nam lên sàn TMĐT hoặc xây dựng kênh bán hàng online riêng.
Bà Vũ Thị Ánh Tuyết – Chánh văn phòng Lazada Việt Nam cũng ghi nhận số lượng nhà bán hàng mới mỗi ngày trên sàn này tăng 8 lần so với thời điểm trước dịch. Đáng chú ý, nhiều nhà bán hàng thu về kết quả tích cực.
Bà chia sẻ trường hợp một đơn vị phân phối mỹ phẩm hữu cơ, nhờ tận dụng tính năng phát trực tiếp (livestream), đã tăng 15 lần lượng đơn hàng và tăng 14 lần doanh thu. Trong khi đó, Sagrifood là một trong những nhà cung cấp thực phẩm tươi sống đầu tiên trên Lazada, tuần qua đã đạt số đơn hàng gấp 40 lần so với ngày thường thông qua một chiến dịch ưu đãi.
Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 64% người trả lời cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn và 63% sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch.
Do đó, ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp cần tăng cường bán hàng đa kênh, đặc biệt mở rộng kênh online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng. Đồng thời, các đơn vị nên chuyển đổi danh mục sản phẩm và truyền tải thông điệp về sức khỏe và chất lượng, như mối quan tâm hiện nay của người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, theo bà Ánh Tuyết, không phải doanh nghiệp nào bán hàng online đều thành công. Công thức hiệu quả gồm trải nghiệm thông minh theo hướng cá nhân hóa, thời gian thực, an toàn và thông suốt từ quá trình tìm mua hàng, lựa chọn thanh toán đến tương tác giữa người bán và người mua.
Số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, doanh thu TMĐT B2C năm 2019 đạt khoảng 10,08 tỷ USD. Mức tăng trưởng tương đương 30% so với năm trước đó, trong khi tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 4,9%.
Với sự lạc quan từ phía người tiêu dùng, Cục đặt mục tiêu tăng trưởng TMĐT hàng năm khoảng 25%. Ước tính doanh thu năm 2025 lên đến 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.