HomeGiáo dụcMỗi sáng đứng cổng trường chúc học trò 'ngày mới tốt lành'...

Mỗi sáng đứng cổng trường chúc học trò ‘ngày mới tốt lành’ | Giáo dục

Đó là ông Hoàng Việt Hùng, 60 tuổi, trú đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM, người 18 năm qua được gọi thân thương với cái tên “bác bảo vệ” ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Học trò bao nhiêu thế hệ đã ra trường vẫn nhớ nụ cười, cái vẫy tay “chúc ngày mới tốt lành” của người đàn ông hiền hậu.

Trong tim nhiều thế hệ học sinh

Một sáng tháng 9, chúng tôi đứng ở cổng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, chứng kiến ông Hùng đứng đó vẫy tay chào lần lượt các học sinh (HS) vào trường. Có bạn, ông Hùng chào “ngày mới vui vẻ nha con”; có bạn, ông cười từ xa “chúc con một ngày tốt lành nha”. “Học tốt nha con”, ông vỗ vỗ vai một cậu bé lớp 8 khi vừa đo nhiệt độ cho em. Đáp lại sự thân thiện của người bảo vệ, các em HS ríu rít “con chào bác ạ”, “vui vẻ bác nghen”.

Học trò vào lớp hết rồi, ông Hùng đi quanh sân trường, kiểm tra khu nhà bếp, khu sân tập thể dục của các HS có vấn đề gì không. Hay giờ ra chơi, HS ùa ra, ông đứng bên sân, nhìn HS nô đùa, sợ trò nào té ngã hoặc leo trèo nguy hiểm.

Chia sẻ với chúng tôi, Nguyễn Ngọc Thùy Dương, HS lớp 11 chuyên văn, kể: “Chúng em yêu quý bác Hùng bởi sự tận tâm, thân thiện. Bác như một người bạn của tụi em. Ngày nào đến trường, thấy bác chào “ngày mới vui vẻ nha con”, em đã thấy một khởi đầu nhiều năng lượng”.

Cậu học trò Hồ Đăng Khoa, lớp 9A9, thì ấn tượng với ông Hùng vì tinh thần thể thao. Khoa kể: “Lúc nào thấy tụi em chơi bóng bàn mà đang rảnh, bác sẽ cầm vợt cùng chơi”. Phạm Bảo Minh Nghi, lớp 8A9, nhớ nhất những giờ ăn trưa, bác bảo vệ ân cần đi từng bàn trong căn tin, hỏi trò này ăn có ngon miệng không, nhắn bạn kia “ăn nhiều vào nha con”.
Còn cựu HS Hồ Khuê Anh, 23 tuổi, giờ là sinh viên Trường ĐH New York (Mỹ), vẫn xúc động kể về bác bảo vệ “tuyệt nhất hệ mặt trời”: “Bác dễ thương vô cùng, em thân với bác lắm”.

Hạnh phúc là từ cổng trường

Ông Hoàng Việt Hùng không nghĩ rằng mình có được nhiều tình cảm yêu mến từ nhiều thế hệ HS như thế. Ông nói lý do mình luôn vẫy tay chào buổi sáng tốt lành học trò, bởi muốn các em đi học là ngày vui, và phải hạnh phúc từ cổng trường. Bản thân ông cũng thấy ấm lòng khi nhận được nụ cười, câu hỏi thăm của các em. “Tôi thấy mình may mắn khi được làm việc ở nơi này. Tôi luôn nghĩ đến trách nhiệm của người gác cổng. Lời chào, thăm hỏi nhỏ bé nhưng có thể xua tan mệt mỏi, áp lực mà các em phải học bài, ôn thi từ đêm hôm trước”, ông chia sẻ.


Người bảo vệ trong tấm ảnh giải nhất “Fighting! Tự tin thi tốt”

Mỗi sáng đứng cổng trường chúc học trò 'ngày mới tốt lành' - ảnh 1

Tháng 8.2020, trong kỳ thi THPT, Trung tâm hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM tổ chức cuộc thi ảnh “Fighting! Tự tin thi tốt” nằm trong chương trình Tiếp sức mùa thi. Bức ảnh mang tên “Người canh giữ ước mơ” (ảnh) đạt giải nhất. Trong ảnh, người bảo vệ già không bận tâm mưa rơi xối xả, mau chóng đưa cho thí sinh chai nước. Điều đặc biệt, đó chính là bác bảo vệ Hoàng Việt Hùng.

Ông Hùng nhiều lần rơi nước mắt khi đứng đó, chứng kiến lễ trưởng thành của nhiều thế hệ HS. Hay những khoảnh khắc nhìn các em học bài, nô giỡn, đùa vui, “lén” mua đồ ăn vào lớp… đều đánh thức trong ông ký ức những tháng năm tuổi trẻ. Ông nhớ mặt, nhớ tên rất nhiều em, có người học hơn 10 năm trước. Nhiều học trò ra trường, quay trở lại thăm thầy cô cũng mang quà tặng ông. Với các em, “bác bảo vệ” là một phần trong thanh xuân tươi đẹp nhất ở ngôi trường.

Không chỉ có được tình cảm yêu mến từ các HS, ông Hùng cũng được các thầy cô rất quý trọng. Cuối tháng 8 vừa qua, trong buổi lễ nhận quyết định nghỉ hưu, ông Hùng òa khóc khi nói lời cảm ơn tất cả mọi người; dưới hội trường, nhiều thầy cô rớm nước mắt. Cô Nguyễn Phạm Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh, chia sẻ ông thật sự là một người bảo vệ dễ thương, đáng quý.

Ít ai biết, ông Hoàng Việt Hùng nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc từ năm 1978 – 1980. Cầm súng ở chiến trường Campuchia và bị thương ở một bên chân, trở về cuộc sống đời thường, trước khi làm bảo vệ trường, ông Hùng từng làm bảo vệ ở một công ty sản xuất ống thoát nước, rồi mưu sinh với nghề làm hộp đựng quà… Sự can đảm của một người lính đưa ông Hùng đi qua những khó khăn khác của cuộc đời. “Mái trường này là ngôi nhà thứ 2, và lũ trẻ như con, cháu của tôi, nên dù nghỉ hưu, tôi vẫn xin đi làm, tới khi nào không còn khỏe nữa”, ông Hùng bộc bạch…




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img