HomeChân dung CEO'Lũ quét' chứng khoán, hàng loạt đại gia mất nghìn tỉ |...

‘Lũ quét’ chứng khoán, hàng loạt đại gia mất nghìn tỉ | Tài chính – Kinh doanh

Tại Việt Nam tốp 5 tỉ phú trên sàn cũng mất hàng chục nghìn tỉ đồng khi chỉ số VN-Index rơi tự do hơn 48 điểm, vốn hóa sụt 8 tỉ USD.

Phiên tháo chạy kinh hoàng

Trận “lũ quét” hay “phiên tháo chạy kinh hoàng” là cụm từ mà nhà đầu tư dành để miêu tả cho phiên giao dịch chứng khoán 11.10. Mở cửa, chỉ số Dow Jones trên thị trường Mỹ mất hơn 800 điểm, báo hiệu một cơn địa chấn. Các thị trường chứng khoán như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông lập tức ngập chìm trong sắc đỏ. Lệnh bán phiên mở cửa khiến một loạt cổ phiếu lớn nhỏ đều giảm kịch biên độ.

Nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất kể từ tháng 2.2018, được giới đầu tư đánh giá do tín lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi lên mức cao nhất 7 năm hồi đầu tuần, đã dần hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao đạt 3,1931% với kỳ hạn 10 năm và 3% với kỳ hạn 3 năm. Sự gia tăng lợi suất trái phiếu được củng cố bởi dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tháng 12. Ngoài ra, giới đầu tư cũng thêm phần lo sợ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ leo thang lên một tầng mức mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lặp lại lời đe dọa sẽ áp thuế tiếp với 267 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Việc chứng khoán Mỹ bị thổi bay 836 điểm trong phiên giao dịch 10.10 đã kéo theo sự sụt điểm nghiêm trọng của chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch 11.10, các sàn giao dịch chứng khoán châu Á theo đà lao dốc khi tâm lý nhà đầu tư trở nên bất ổn. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 3,8% chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3.2017. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,96%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 5,22%, Hang Seng tại thị trường Hồng Kông giảm 3,73%, Đài Loan là nơi tổn thất lớn nhất với chỉ số Taiex giảm 6,31%, mức mạnh nhất kể từ tháng 1.2008…

Việt Nam cũng không thoát đà giảm khi vừa mở cửa hàng loạt nhà đầu tư chen chúc, giẫm đạp lên nhau để bán khiến các cổ phiếu từ blue-chips đến rổ VN30, ngân hàng, dầu khí, bất động sản… nằm sàn la liệt. Giữa buổi sáng, VN-Index có một nhịp hồi nhẹ nhưng tâm lý lo sợ, hoang mang khiến nhà đầu tư ồ ạt mang cổ phiếu ra bán, chỉ số chung toàn thị trường tiếp tục xuống. Tất cả các ngưỡng hỗ trợ từ đường trung bình giá MA 20, MA 50, MA 200 hay kể cả mây ichimoku đều bị xuyên thủng. Có thời điểm VN-Index mất hơn 50 điểm. Một cuộc tháo chạy lịch sử thực sự diễn ra vào buổi chiều khi mà nhiều mã đã giảm sàn trắng bên mua, kể cả cố phiếu “vua” ngân hàng hay VIC, VHM, dầu khí GAS, PVS, PVD…

Rủi ro còn ở phía trước

VN-Index chốt phiên giảm 4,84%, VN30-Index giảm 4,79%, ngoài nguyên nhân từ thế giới, còn có thể do tỷ lệ vay margin đang ở mức cao đã dẫn tới hoạt động bán mạnh. Với mức giảm này, thị trường đã về vùng giá hồi cuối tháng 7.2018, 1/3 số mã ở rổ VN30 đóng cửa ở mức sàn và có tới 18 mã đóng cửa với mức giảm mạnh hơn chỉ số VN30. Điểm đáng chú ý hôm nay là thanh khoản được đẩy lên mức kỷ lục, giá trị khớp lệnh đạt 7.390 tỉ đồng, tương đương với phiên cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đợt vừa qua ở 7.684 tỉ đồng. Để có được mức thanh khoản khổng lồ như vậy, hẳn phải có lực bắt đáy rất lớn, nếu không số cổ phiếu nằm sàn còn lớn hơn nữa. Lực bắt đáy cũng đã kéo VN-Index từ mức gần 938 điểm thấp nhất trong phiên lên 945,89 điểm lúc đóng cửa. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khá mạnh trong phiên hôm nay với giá trị 260 tỉ đồng, tổng cộng 4 phiên trong tuần này khối ngoại bán ròng khoảng 977 tỉ đồng trên HSX.

Chứng khoán giảm mạnh khiến tài sản của các tỉ phú trên thế giới bốc hơi nhanh chóng. Người sáng lập Amazon – Jeff Bezos sụt mạnh nhất khi mất 9,1 tỉ USD do giá cổ phiếu hãng thương mại điện tử này giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Trong khi đó, tài sản của người giàu nhất châu Âu – Bernard Arnault sụt 4,5 tỉ USD xuống còn 66,9 tỉ USD. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng nằm trong nhóm mất nhiều nhất khi tài sản giảm 4,5 tỉ USD, tương đương 4,9%.

Nhóm tỉ phú trên sàn chứng khoán Việt Nam chịu thiệt hại nặng cùng đà giảm của VN-Index. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup mất khoảng 4.000 tỉ đồng, ông Trần Đình Long mất khoảng 1.000 tỉ đồng; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC mất khoảng 800-900 tỉ đồng.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán MB (MBS), với mức giảm này xu hướng tăng đã bị bẻ gãy, mức giảm ở chỉ số phiên này đã là kỷ lục trong năm, sau phiên 5.2 với 5,1% và vượt qua cả phiên 3.7 ở 4,3%. Song, mức giảm ở mặt bằng cổ phiếu còn mạnh hơn so với chỉ số và đang tiềm ẩn rủi ro cho thị trường. Phiên giảm mạnh này đã thổi bay thành quả của rất nhiều cổ phiếu, hơn nữa nó còn tạo ra nguy cơ kích hoạt vòng xoáy cắt lỗ hoặc margin call trong các phiên tới đây. Các chỉ báo kỹ thuật ít có tác dụng với những phiên mang tính tâm lý như hôm nay, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. Với diễn biến yếu như hôm nay thì có khả năng sau đây thị trường tăng trở lại chỉ là phục hồi kỹ thuật.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img