Theo kế hoạch, trong quý II-2020, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: TẤN VIỆT
Ngày 26-5, đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty cồ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR, Quảng Ngãi), cho hay đơn vị đang tăng công suất lên tối ưu.
Công ty cũng đang vận dụng nhiều giải pháp để vượt qua các khó khăn đến từ dịch Coѵīd-19 và giá dầu thô thế giới giảm mạnh.
Cụ thể, Công ty cồ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR đã đẩy mạnh công tác tiết giảm triệt để chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của công ty. Qua rà soát, công ty đã tiết giảm 23,3% chi phí sản xuất kinh doanh so với kế hoạch.
Công ty cồ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR cũng đã làm việc với các nhà cung cấp dầu thô để giãn thời gian thanh toán, tiếp tục làm việc với các ngân hàng để vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi.
Từ những giải pháp này, công ty dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại mức bình thường. Đơn cử, cuối tháng 4 vừa qua, công ty đã xuất bán 18.740 m3 sản phẩm trung gian cho Huyndai Oil Bank, giúp gia tăng hiệu quả sản xuất cho công ty.
Đại diện công ty cho hay, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng cao. Các khách hàng của công ty đang đẩy mạnh việc tiếp nhận hàng.
“Thời gian qua, chúng tôi đã tối ưu và linh hoạt điều chỉnh công suất nhà máy để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm, hạn chế ảnh hưởng của biến động giá. Công ty cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, triển khai và chủ động các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm chớp cơ hội tăng giá của thị trường”, vị này nói.
Theo kế hoạch, quý II-2020, công ty sẽ sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Trong lúc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) cũng sản xuất lượng xăng dầu tương đương trong quý II-2020, tổng sản lượng hai nhà máy cao hơn quý I-2020 khoảng 200.000 tấn.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty mua theo hợp đồng dài hạn trong nước và nhập khẩu khoảng 132.000 thùng/ngày, duy trì hoạt động nhà máy an toàn, hiệu quả.
Trong khi đó, thời gian gần đây nhiều đại lý, công ty bán lẻ xăng dầu cho biết không lấy được xăng từ các đầu mối nên đành phải đóng cửa cây xăng vì thiếu hàng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu quá thấp, thậm chí có thời điểm 0 đồng/lít nhưng muốn mua hàng cũng khó.