HomeChân dung CEOKhông để doanh nghiệp mất thời cơ | Tài chính - Kinh...

Không để doanh nghiệp mất thời cơ | Tài chính – Kinh doanh

Đó là thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp (DN) cả nước vào hôm qua 9.5 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Khai mở mặt trận phục hồi kinh tế

Một trong những đại diện đầu tiên cho cộng đồng DN phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đây là hội nghị để khai mở mặt trận phục hồi kinh tế do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, cần có ban chỉ đạo mặt trận này và Thủ tướng đích thân là trưởng ban.


Với doanh nhân, hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân VN đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chia sẻ điều này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco, kiến nghị sớm nới lỏng giao thương với các quốc gia có nguy cơ dịch thấp, như Lào, Campuchia, trong đó ưu tiên cửa khẩu đường bộ để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của DN. Một kiến nghị khác là về việc đón đầu dịch chuyển sản xuất toàn cầu tại miền Trung thông qua nâng cao năng lực và giảm giá thành logistics quốc tế. Ông Dương dẫn chứng, Thaco hiện nhập linh kiện về nhưng phải xuất trên 90% container rỗng về TP.HCM hoặc Hải Phòng, gây tốn kém.
Trong khi đó, hàng xuất khẩu từ miền Trung lại thường phải đưa về TP.HCM rồi mới xuất đi các nước, cũng khiến giá thành vận chuyển cao gấp rưỡi so với hàng cùng loại từ hai đầu của đất nước. “Trong khi đó, 2 dự án lớn về đường vận chuyển tại miền Trung dù đã có chủ trương từ năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai”, ông Dương dẫn chứng. Đó là dự án luồng tàu Cửa Lở để đón được tàu 5 vạn tấn với vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng và dự án QL14E nối đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lên đường Hồ Chí Minh đang xuống cấp, vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng. Theo ông Dương, các dự án cấp thiết và trên tinh thần đón đầu chuỗi dịch chuyển sản xuất, phát triển nông lâm nghiệp cho miền Trung, cao nguyên, Lào và Campuchia. DN xin chủ trương làm đầu tư, ứng vốn để thực hiện và xin các cơ chế để tạo nguồn thu hoàn vốn theo đúng quy định.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, nhấn mạnh Việt Nam (VN) cần tận dụng việc được quốc tế đánh giá là điểm sáng chống dịch, môi trường xã hội an toàn để sớm khởi động lại ngành du lịch, dịch vụ. Theo đó, ông Kỳ đề nghị triển khai ngay chương trình truyền thông “VN – điểm đến an toàn”, trước mắt tập trung thị trường nội địa để giữ nhân sự, hệ thống. “Sớm mở cửa có chọn lọc các thị trường quốc tế, những nước làm tốt công tác chống dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… Nếu làm tốt thì thị trường hồi phục sớm”, ông Kỳ nói.

Ngoài ra, ông Kỳ kiến nghị cho ngành du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, xem xét áp dụng thuế VAT xuống 5%, thuế TNDN 1 năm, tiếp tục áp dụng chính sách giá điện sản xuất thử nghiệm 1 năm, sau đó đánh giá tác động, nhất là lưu trú.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may, cho rằng đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các DN trong ngành nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề. Trước hết, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động. Mặt khác, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch bệnh làm gián đoạn, DN càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các DN cùng ngành trong nước với nhau.
Vấn đề khai thác thị trường nội địa, nhiều DN trước đây ít quan tâm nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do dịch, chính thị trường nội địa đã “cứu” nhiều DN. Những đơn hàng sản xuất khẩu trang lớn để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đã bù đắp phần nào thiếu hụt, giải quyết việc làm, giữ thu nhập cho người lao động. Ông Trường cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa, cần sự tuyên truyền sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức “sính hàng ngoại” của người dân.

Khó 2 thì phải cố gắng 3 để vượt qua

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện cho DN phát triển, đồng thời cam kết Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển, trong đó cần phải xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của DN. Phải giải quyết nhanh các thủ tục, trả lời nhanh các kiến nghị, quan tâm đến DN và người lao động yếu thế, nhất là các DN nhỏ và vừa. “Tất cả DN đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan nhà nước, đặc biệt các địa phương”, Thủ tướng thúc giục.

Cụ thể, một số vấn đề lớn mà các cơ quan nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho DN hợp tác, hỗ trợ họ cả về chính sách. “Đặc biệt, các DN đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng VN”, Thủ tướng nói và nhắc lại tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đi cùng đó, việc kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của DN nên cần tăng cường thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này. Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, các trung tâm lớn phải phát triển nhanh, nhất là phát triển hạ tầng sân bay, bến cảng, dịch vụ logistics để giảm chi phí cho DN vì không có hạ tầng thì khó phát triển.

Đối với các doanh nhân, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân VN đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay. Các hiệp hội đóng vai trò tập hợp thông tin, đặc biệt là những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ về quản lý để áp dụng nhanh vào các DN thuộc hiệp hội mình.

Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua” và kêu gọi sự đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất để đóng góp vào phát triển của đất nước.


Hội nghị được truyền hình trực tiếp để 800.000 DN trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi. Tại hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, DN, các bộ, cơ quan. Ngoài ra, còn có 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội DN nước ngoài, 9 hiệp hội DN trong nước được gửi tới Văn phòng Chính phủ và Bộ KH-ĐT trước khi diễn ra đối thoại và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.

 Ý kiến


Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phục hồi chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Không để doanh nghiệp mất thời cơ - ảnh 2

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động. Để tháo gỡ, Bộ đề xuất phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. DN mạnh mẽ chuyển đổi số, thương mại điện tử. Quảng bá, thúc đẩy du lịch với hình ảnh VN là quốc gia chống dịch tốt nhất; đặc biệt, kích cầu thị trường nội địa.

Anh Vũ (ghi)


Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh

Không để doanh nghiệp mất thời cơ - ảnh 3

Bộ trưởng Công thương đề xuất một số giải pháp trong đó trọng tâm là đánh giá và bám sát thực tiễn của cộng đồng DN trong tất cả lĩnh vực đặc thù để xác định rõ thách thức, áp lực, yêu cầu nhằm tiếp tục tồn tại vượt qua khó khăn. Bộ cũng cam kết đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho DN trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất. “Đặc biệt các dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được đưa lên cấp độ 3 và cấp độ 4 ngay trong năm 2020. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong giai đoạn sau của Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục được thực hiện ngay trong năm 2020, hay Chính phủ điện tử, cấp C/O điện tử cũng như các thủ tục khác để hỗ trợ, minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho DN cũng sẽ được hỗ trợ ngay”, ông Tuấn Anh nói.

Chí Hiếu (ghi)


Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công

Không để doanh nghiệp mất thời cơ - ảnh 4
Từ tháng 2 đến nay, TP đã chuyển 1.020 tỉ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Cam kết sẽ tiếp tục chuyển tiếp nguồn tài chính này để hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh vay với lãi suất bằng 0%, tập trung vào các lĩnh vực tái đầu tư, phát triển đàn lợn, gia súc, gia cầm, tái cơ cấu, đưa kỹ thuật cao vào phát triển nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy hải sản.

Trong 9 giải pháp Hà Nội đang triển khai, có cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công, cắt giảm chi tiêu 5% so mục tiêu 10% trước đó. Đặc biệt, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị, phấn đấu, dự kiến cuối tháng 6 tổ chức Hội nghị đầu tư phát triển với khoảng 100 dự án được trao chủ trương đầu tư, trong đó dự án trong nước đạt 330.000 tỉ đồng, 26 dự án với số vốn 72.000 tỉ đồng, dự án FDI khoảng 3,5 tỉ USD.

Nguyên Nga (ghi)


Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Ưu tiên 5 gói hỗ trợ DN

Không để doanh nghiệp mất thời cơ - ảnh 5
Trong thời gian tới, Tổ công tác hỗ trợ DN của TP sẽ triển khai kế hoạch tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ DN trên địa bàn với 5 nhóm hỗ trợ: Thứ nhất, duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của DN, chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động, đảm bảo DN phục hồi sản xuất dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa cho người dân. Thứ hai, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN, khuyến khích sản xuất thay thế nhập khẩu. Thứ ba, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị DN cũng như là quản lý ngành. Thứ tư, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Và cuối cùng, phối hợp với các quốc gia đối tác về thương mại, mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước.

Nguyên Nga (ghi)


Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN: Miễn thuế thu nhập cho DN khởi nghiệp

Không để doanh nghiệp mất thời cơ - ảnh 6

Có một vấn đề rất căn cơ hiện nay là giá vốn của các ngân hàng (lãi suất huy động còn cao) nên lãi suất cho vay chưa thể giảm xuống thấp. Trần lãi suất tiền gửi 6 tháng là 4,75%/năm, song ngân hàng phải cạnh tranh nên lãi các kỳ hạn dài rất cao. NHNN nên giảm trần lãi suất kỳ hạn dài trên 1 năm xuống (có thể xoay quanh mức 5%), từ đó tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Cuối cùng, Hội Doanh nhân trẻ đề nghị Thủ tướng, Chính phủ hỗ trợ các DN khởi nghiệp thông qua khuyến khích miễn thuế thu nhập cho DN, cá nhân tham gia.

Anh Vũ (ghi)



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img