Trở lại trường từ 11/5 theo thông báo của UBND Hà Nội, cô Nguyễn Quỳnh Hoa, 31 tuổi, vẫn phải vay tiền chi tiêu đến hết tháng 5 do chưa được nhận lương.
Khi Covid-19 chưa xảy ra, cô Hoa làm việc tại một trường mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai cùng một giáo viên khác phụ trách lớp 4-5 tuổi, khoảng 20 cháu. Mỗi tuần, cô được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật, thu nhập hơn 5-6 triệu đồng, trong đó hơn 4 triệu là lương cứng, ngoài ra là phụ cấp và thưởng.
Ba tháng nghỉ phòng dịch, cô Hoa chỉ được trả nửa lương tháng 2, tức hơn 2 triệu đồng. Đến tháng 3-4, cô không có lương do trường không có nguồn thu. Mới sinh con thứ hai được 18 tháng, con trai lớn 5 tuổi, cô Hoa bán hàng online, chủ yếu là hóa mỹ phẩm nhưng không có khách, “cả tháng chỉ lời vài trăm nghìn”.
Cô cũng nhận trông thêm 2-3 trẻ để kiếm thêm 1,5-2 triệu đồng một tháng, nhưng cũng “không ăn thua” so với chi tiêu của một gia đình bốn người tại Hà Nội. Sau khi đắn đo, cô giáo mầm non quyết định vay thêm người thân để đảm bảo cuộc sống trong ba tháng thất nghiệp.
Khi Hà Nội thông báo trẻ mầm non đi học từ 11/5, không nằm trong nhóm giảm biên, cô Hoa được đi làm trở lại. “Tôi vui lắm, tính nếu thu nhập như trước thì khoảng 3-4 tháng là mình trả được số tiền đã vay khi nghỉ dịch”, cô Hoa nói.
Tuy nhiên, do học sinh đi học lại không đầy đủ, lớp của cô Hoa chỉ còn 13 em, phải ghép cùng lớp khác. Chủ trường thông báo ba tháng qua, trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ giáo viên trong tháng 2, kinh phí eo hẹp. Số học sinh mỗi lớp giảm gần một nửa do nhiều phụ huynh chưa yên tâm cho trẻ đi học, nguồn thu chưa ổn định nên cô Hoa và các giáo viên khác chỉ được nhận 75% lương cứng, không còn thưởng và phụ cấp. Chủ trường cũng không thể hứa hẹn đến khi nào có thể đảm bảo mức lương như trước cho giáo viên.
Sau khi nhẩm tính, cô Hoa thở dài vì chỉ còn hơn 3 triệu đồng tiền lương một tháng, không đảm bảo cuộc sống trong khi công việc vất vả hơn trước. “Trước mắt tôi vẫn vay tiền để chi tiêu hết tháng 5, tiếp tục công việc trong 1-2 tháng nữa đồng thời tìm việc khác. Tôi cần một công việc lương cao hơn để lo cho các con, kể cả xin làm công nhân tại các nhà máy cũng được”, cô Hoa nói.
Giống cô Hoa, cô Trần Thị Thúy, 35 tuổi, giáo viên một nhóm trẻ tư thục quận Thủ Đức, TP HCM, trở lại trường với nhiều nỗi lo. Hơn bốn năm qua, nhóm trẻ hoạt động khá ổn định với gần 50 trẻ. Covid-19 xảy ra, nghỉ kéo dài nên chủ nhóm trẻ thông báo cắt hợp đồng với 3 trong tổng số 10 nhân viên.
Nhóm trẻ đã liên lạc với phụ huynh, chỉ 30 người xác nhận sẽ cho con đi học lại, số khác quyết định để con ở nhà hết năm, có người gửi trẻ về quê cho ông bà trông. “Nhóm trẻ như một cửa hàng vậy, vắng khách thì lợi nhuận giảm, thu nhập từ đó giảm theo. Người làm công hoặc là chấp nhận, hoặc là ra đi”, cô Thúy nói.
Cuối ngày làm việc đầu tiên sau dịch, chủ trường đã có buổi nói chuyện với tất cả giáo viên, nhân viên, kêu gọi mọi người chung tay gây dựng lại, trong đó có việc chấp nhận mức lương bằng 70% trước đây. Với thu nhập gần 6 triệu trước Tết, nay cô Thúy chỉ nhận 4 triệu đồng, vẫn được bao cơm trưa.
“Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp mất việc. Lúc làm ăn được thì chủ trường tăng lương cho mình, nay khó khăn thì mình cũng nên đồng cam cộng khổ. Chưa kể tôi đã có tuổi, lại chỉ có bằng trung cấp, nghỉ ở đây thì xin việc chỗ khác cũng rất khó”, cô Thúy nói.
Hiện cô Thúy chỉ mong hai điều: dịch bệnh được dập hoàn toàn, không quay lại để công việc mọi người được ổn định và nhóm trẻ tuyển sinh tốt trong năm mới, lương bổng trở lại như cũ.
Không chỉ giáo viên, nhiều chủ trường mầm non cũng gặp khó. Là chủ hai cơ sở mầm non tư thục An Nhi tại Hà Nội, bà Võ Kim Ngọc thừa nhận “đi làm lại thì mừng nhưng chưa hết khó”.
Khi học sinh Hà Nội không đến trường, hàng tháng bà Ngọc vẫn phải trả 21 triệu đồng tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ 10 giáo viên, mỗi người 1,5 triệu đồng. Tổng tiền lỗ trong ba tháng khoảng 100 triệu đồng. “Số tiền này so với các cơ sở kinh doanh khác có thể không lớn nhưng khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động của trường”, bà cho hay.
Hai cơ sở của trường mầm non An Nhi khoảng 50 học sinh, nhưng đi học lại chỉ được một nửa. Nhiều phụ huynh cho con nghỉ thêm 3-4 ngày, đến giữa tháng mới cho đi học, yêu cầu giảm một nửa học phí và các chi phí khác. Dựa vào tình hình hiện tại, chủ trường nhẩm tính, nhanh phải hết tháng 9 sau khi tuyển sinh thêm thì mới bù lại số tiền lỗ trong ba tháng nghỉ phòng dịch.
Vừa mới thành lập, chưa kịp tuyển sinh thì nhóm trẻ Lê Minh, quận 9, TP HCM phải dừng hoạt động vì Covid-19. Ông Lê Minh Cường, chủ nhóm trẻ cho biết với quy mô được cấp phép là 70 trẻ, nhóm có 10 nhân viên gồm giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ. Trong thời gian nghỉ chống dịch, nhóm trẻ vẫn trả một khoản lương cho nhân viên. Về tiền thuê mặt bằng, ông may mắn khi được chủ nhà chia sẻ khó khăn, giảm từ 22 triệu mỗi tháng xuống còn 10 triệu trong ba tháng.
Để thu hút phụ huynh gửi con, nhóm trẻ đã đầu tư dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, phần mềm quản lý trẻ hàng ngày, ưu đãi học phí. Chi phí đã bỏ ra nhiều nhưng chưa thu về được khoản nào để hoàn vốn. “Hết năm nay, chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh thu, chấp nhận chịu lỗ để xây dựng nhóm ổn định về người học, công việc vào guồng. Nếu trường không phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh một lần nữa, tôi tin chúng tôi sẽ phát triển ổn định”, ông Cường cho hay.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố có hơn 16.500 giáo viên, nhân viên nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập không được hỗ trợ lương khi trường đóng cửa vì Covid-19. Tại TP HCM, 29.700 giáo viên mầm non ở các trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương.