[ad_1]
Theo Tech Crunch, có hơn 1,7 tỷ người thiếu tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên toàn cầu, phần lớn trong số đó đến từ các thị trường mới nổi. Đối với họ, việc tiếp cận các khoản vay có thể khó khăn, đây là vấn đề mà các fintech đang cố gắng giải quyết. Một hướng đi mới trong việc này là bảo lãnh tín dụng thông qua một thuật toán độc quyền, cũng là cách FairMoney đang thành công.
FairMoney thành lập vào năm 2017 bởi Laurin Hainy, Matthieu Gendreau và Nicolas Berthozat. Startup này là một công ty cho vay trực tuyến, cung cấp các khoản vay tức thì và thanh toán hóa đơn cho người tiêu dùng chưa được các ngân hàng phục vụ tại các thị trường mới nổi.
Các ngân hàng Nigeria vẫn chưa phục vụ đầy đủ sản phẩm tín dụng do phương pháp phân bổ các khoản vay không linh hoạt. Nhận thấy cơ hội, đội ngũ sáng lập đã tung ra FairMoney như một “ngân hàng mới” bằng cách tận dụng mô hình tín dụng ưu tiên. Giống như Nubank ở Brazil, FairMoney bắt đầu cung cấp các khoản vay để giải quyết vấn đề tiếp cận tín dụng. Nhưng tầm nhìn rộng hơn của startup này không chỉ là một ngân hàng kỹ thuật số mà còn là một ngân hàng thương mại.
Công ty đang nỗ lực để có được giấy phép ngân hàng tài chính để hoạt động ở Nigeria. Tuy nhiên, theo ông Laurin Hainy, thời gian cấp phép ngân hàng thương mại sẽ lâu hơn, có thể từ 5 đến 10 năm. Trong thời gian đó, hai trong số năm ngân hàng thương mại lớn nhất ở Nigeria sẽ là ngân hàng phi truyền thống.
“Chúng tôi muốn FairMoney là một trong số đó”, ông cho biết.
FairMoney muốn trở thành một trong hai ngân hàng lớn nhất ở Negeria. Ảnh: FairMoney. |
Công ty đã huy động 11 triệu USD trong vòng gọi vốn series A vào năm 2019. Từ bây giờ đến thời điểm họ nhận giấy phép ngân hàng thương mại, Hainy cho biết, công ty sẽ khởi động vòng gọi vốn series B để phục vụ cho nhiệm vụ kể trên.
Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty chỉ có hơn 100.000 người dùng. Giờ đây, họ tuyên bố có 1,3 triệu người dùng độc lập đã thực hiện hơn 6,5 triệu đơn đăng ký vay. FairMoney cung cấp các khoản vay từ 3,3 USD đến 1.110 USD với thời hạn cho vay dài nhất là 12 tháng. Lãi suất hàng năm rơi vào khoảng 30% đến 260%. Đây là mức lãi cao nhưng theo giải thích của ông Hainy là do tỷ lệ vỡ nợ ở Nigeria cao hơn trung bình thế giới. Trong thông cáo mới nhất, FairMoney tuyên bố có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 10%.
Năm ngoái, startup này giải ngân cho vay tổng cộng 93 triệu USD, tăng 128% so với 2019 và có tốc độ tăng trưởng 3.189% so năm đầu tiên đi vào hoạt động. Trên đà này, công ty đang dự kiến giải ngân vốn vay 300 triệu USD đến cuối năm 2021. Ông Laurin Hainy cho biết, startup đã giải ngân nhiều hơn 25-30% so với một số đối thủ cạnh tranh khác và đang dẫn đầu thị trường.
Trong khi đó, sau ba năm ra mắt dịch vụ ở Nigeria , công ty đã mở rộng thị trường sang Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai châu Á, vào tháng 8/2020. Mở rộng sang Ấn Độ là bước đi dựa trên nghiên cứu số liệu của công ty. Quốc gia này chỉ có 36% người trưởng thành có thể tiếp cận tín dụng. Điều này tạo ra một thị trường chưa được khai thác với khoảng 141 triệu người. Hơn nữa, không giống như Nigeria, Ấn Độ có môi trường tốt hơn và nền pháp lý thân thiện hơn với hoạt động kinh doanh cho vay.
“Nếu tham vọng của chúng tôi là xây dựng ngân hàng di động hàng đầu cho các thị trường mới nổi, chúng tôi cần bắt đầu với những thị trường rất lớn”, Hainy nói.
Nhân viên FairMoney đang giới thiệu ứng dụng đến khách hàng. Ảnh: FairMoney. |
Trước đó, FairMoney đã thử nghiệm sản phẩm của mình ở 10 thị trường khác nhau để tìm hiểu lợi nhuận, nợ xấu, chi phí rủi ro, chi phí khách hàng, chi phí cơ sở hạ tầng… Công ty kết luận Ấn Độ là thị trường nổi bật nhất. Sau 6 tháng, FairMoney công bố đã xử lý hơn nửa triệu đơn xin vay từ hơn 100.000 người dùng độc lập. Gần đây, startup này đạt 5.000-6.000 đơn xin vay mỗi ngày, với lãi suất hàng năm ở mức 12-36%. Hainy cho biết, công ty không cần chi tiêu cho quảng cáo hoặc tiếp thị.
Theo Tech Crunch, việc các startup châu Phi mở rộng thị trường ra bên ngoài lục địa là điều khá hiếm. FairMoney là một trong số ít thực hiện điều này. Tháng trước, họ đã thuê Rohan Khara làm giám đốc sản phẩm (CPO) để đẩy mạnh mở rộng thị trường. Khara là cựu giám đốc sản phẩm dịch vụ tài chính của siêu ứng dụng Gojek và từng giữ các vai trò cấp cao tại Microsoft, Quikr và MobiKwik. Với trợ lực này, lãnh đạo FairMoney hướng đến kế hoạch lớn sẽ phục vụ đến 10 hoặc 20 triệu người dùng trong tương lai.
Tất Đạt (theo Tech Crunch)
[ad_2]
Source link