DNTN Phúc Thịnh Đức đã liên hệ với chính quyền xã Bình Minh để lên phương án sửa chữa lại con đường 23.
Một số đoạn trên tuyến đường 23 được doanh nghiệp khai thác đất cho sửa chữa.
Xem Video: Sớm khắc phục lại các tuyến đê, tuyến đường để đảm bảo ATGT ở huyện Thạch Thành
XEM VIDEO CLIP: G13cn1CcsEY
Tháng 3.2020, Báo Tây Ninh có bài viết “Đất đi, đường hỏng, hệ lụy ai gánh” phản ánh tình trạng hằng ngày có hàng chục lượt xe chở đất từ một mỏ đất ở xã Trà Vong, huyện Tân Biên vận chuyển trên tuyến đường 23 (đường 785- Bình Minh- Giồng Cà) thuộc ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, dẫn đến mặt đường hư hỏng nặng.
Tuyến đường 23 là đường sỏi đỏ được duy tu bảo dưỡng vào năm 2018. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, từ khi mỏ đất bên xã Trà Vong hoạt động và các vận chuyển xe đất từ mỏ đất lưu thông trên tuyến đường này, con đường đã xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân.
Do mặt đường sỏi đỏ nên mỗi khi xe vận chuyển đất lưu thông , chủ mỏ đất cho tưới nước lên mặt đường để hạn chế bụi. Thế nhưng, việc tưới nước trên mặt đường lại nảy sinh một bất cập khác là mặt sỏi đường bị trôi đi nên mặt đường toàn là “mắc me”, làm người dân rất khó đi lại di chuyển bằng xe mô tô. Bên cạnh đó, do các xe vận chuyển đất di chuyển trên tuyến đường này với tốc độ cao nên gây bức xúc cho người dân địa phương.
Sau khi báo phản ánh, các ngành chức năng của thành phố Tây Ninh cũng đã vào cuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát xe chở đất trên tuyến đường 23 nên số lượng xe chở đất mỗi ngày lưu thông trên con đường này đã giảm rõ rệt, cũng như tình trạng các xe chạy chở đất chạy tốc độ nhanh trên đường đã được hạn chế. Bên cạnh đó, DNTN Phúc Thịnh Đức cũng đã liên hệ với xã Bình Minh để xin lên phương án sửa chữa lại con đường.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện DNTN Phúc Thịnh Đức cho biết, sau khi chính quyền địa phương đồng ý, doanh nghiệp đã cho ban gạt lại mặt đường bằng phẳng (có sự chứng kiến của đại diện ấp Giồng Cà); còn đoạn phía trong đường nhựa bị hư hỏng, doanh nghiệp cũng đang liên hệ để tìm kiếm nguồn nhựa sửa chữa trong thời gian tới.
Ông Trần Thanh Danh-Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, doanh nghiệp Phúc Thịnh Đức có tiến hành san gạt mặt đường lại, cũng như sửa chữa những “ổ gà”, “ổ voi” trên đường. Tuy nhiên, có đoạn địa phương nhận thấy cần phải tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp này sửa chữa thêm. Do đó, địa phương sẽ làm việc với doanh nghiệp để yêu cầu khắc phục những đoạn sửa chữa chưa bảo đảm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh về tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản năm 2019 vào tháng 2.2020, đối với nội dung thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác phải thực hiện bảo đảm các quy định, cam kết về bảo vệ môi trường; tiến hành trồng cây xanh xung quanh bờ mỏ và dọc bên đường vận chuyển ngoài mỏ.
Đồng thời thực hiện công tác giám sát môi trường; quy định tốc độ an toàn cho phương tiện vận chuyển vật liệu khi đi qua khu dân cư, xe chạy từ mỏ ra đường liên xã phải giảm tốc độ dưới 30km/h. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về chính sách bảo hộ quyền lợi của người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, tham gia đóng góp vào các chương trình phúc lợi xã hội tại địa phương.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân bố trí cảnh báo giảm tốc độ tại các giao lộ giữa đường ra vào mỏ với đường bên ngoài. Bên cạnh đó phối hợp với chính quyền địa phương san gạt, lấp đầy hố voi nếu đường vận chuyển ra ngoài xuống cấp, hư hỏng.
Như vậy có thể thấy rằng, UBND tỉnh đã có những yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản về các nghĩa vụ, trách nhiệm mà họ phải thực hiện đối với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản, trong đó có việc sửa chữa đường sá bị hư hỏng nếu do hoạt động vận chuyển khoáng sản gây ra. Do đó, không chỉ riêng xã Bình Minh mà các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản cần chú trọng đến công tác kiểm tra đường sá để kịp thời yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa.