Đó là thông tin ông Thành nêu ra tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào hôm nay, 28.2, đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất
kinh doanh của các đơn vị trực thuộc Uỷ ban.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Thành cho biết, cập nhật đến ngày 27.2, tình hình xấu đi gấp đôi so với báo cáo tại cuộc họp cách nay 10 ngày của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, tuần trước số máy bay thừa chỉ 20 – 30, thì tuần này có thể phải thừa 40 chiếc. Dự báo được điều này sớm nên Vietnam Airlines cũng chủ động tìm đối tác cho thuê tàu bay, nhưng tháng 1 vừa qua, hợp đồng cho thuê 10 chiếc gần xong cũng phải huỷ bỏ.
“Cách đây 10 ngày, mọi người kỳ vọng tháng 3, tháng 4 có lượng khách đi ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản, rồi đi
Hàn Quốc, nhưng giờ lượng khách này không còn nữa. Việc dịch bùng phát ở Italy cũng làm tình hình căng thẳng hơn, khách bỏ chỗ nhiều”, ông Thành nói.
Điều đáng ngại hơn, theo ông Thành, nếu dịch Sars hồi 2003, đồ thị có hình chữ V, tức sau dịch bệnh là nhu cầu tăng nhanh trở lại, thì với dịch Covid-19, nhiều người lo sợ diễn biến theo hình chữ U dài.
“Trước đây chúng tôi đánh giá tháng 5 tình hình đi lên để phục vụ mùa cao điểm hè, nhưng với việc học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài như vừa qua, nên coi như năm nay không có cao điểm hè”, ông Thành lo ngại.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian. Trước mắt, làm việc với phi công nước ngoài để họ nghỉ không lương 3 tuần. Phi công
người Việt Nam cũng bố trí nghỉ 10 ngày đến 2 tuần. Cùng với đó, lương lãnh đạo cũng bị giảm 40%.
Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không (ACV), cho biết thêm, khi dịch mới xảy ra với
Trung Quốc, doanh nghiệp dự báo chỉ giảm 30 – 35% khách, nhưng 1 tuần gần đây khi Hàn Quốc bùng phát dịch, thì dự báo sản lượng khách giảm đã nâng lên con số 50 – 55%. Trong đó, khách quốc tế dự báo giảm 25 triệu, còn khách nội do khó có cao điểm hè, nên có thể giảm 20 triệu.
“Các hãng hàng không thiệt 1, thì ACV thiệt 1,2 – 1,5 lần. Bởi vì hoạt động của ACV liên quan đến toàn bộ hoạt động dịch vụ qua cảng”, ông Phiệt nói và bày tỏ trông đợi vào việc các hãng hàng không mở thêm đường bay mới.
Dù vậy, lãnh đạo ACV cho rằng, đây là “thời cơ vàng sửa chữa hạ tầng, như 2 đường băng
Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Bởi kinh nghiệm sau dịch Sars 2003 cho thấy, sau mỗi đợt dịch bệnh thường đón đầu đợt tăng trưởng mới.